Xét Nghiệm Nội Tiết Tố Nữ - Health Việt Nam
Nội tiết tố là gì?
Nội tiết tố (còn gọi là Hormon) là thuật ngữ chung chỉ các chất hóa học do một hoặc nhiều loại tế bào tiết ra để điều hòa những chức phận quan trọng của cơ thể sinh vật nói chung và cơ thể người nói riêng, từ chức sống đến quá trình sinh sản, điển hình như:
- Tham gia điều hòa quá trình sinh trưởng và phát triển của cơ thể.
- Tham gia điều hòa quá trình trao đổi chất và năng lượng.
- Tham gia điều hòa sự cân bằng nội môi của dịch nội bào và ngoại bào.
- Tham gia điều tiết sự thích nghi của cơ thể với môi trường.
- Tham gia điều tiết quá trình sinh sản…
Một số hormon trong cơ thể và các cơ quan đích
Một số hormon trong cơ thể và các cơ quan đích
Các nội tiết tố tham gia điều tiết quá trình sinh sản
Các nội tiết tố tham gia điều tiết quá trình sinh sản được quan tâm ứng dụng trong thực hành lâm sàng điển hình phải kể đến như:
Gonadotropin releasing hormon (GnRH)
GnRH là hormon được tiết ra từ các nơron vùng dưới đồi có tác dụng kích thích tuyến yên tăng cường tiết các hormon Gonadotropin (FSH và LH) để kích hoạt và tăng cường sự phát triển của tế bào trứng, sự rụng trứng và hình thành thể vàng.
Nhờ cơ chế tác dụng thuận chiều, GnRH còn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát mối tác động ngược dương tính của Estrogen để tăng cường tiết LH để kiểm soát mối tác động ngược âm tính của Progesteron để đảm bảo sự tồn tại của thể vàng.
FSH (Follicle Stimulating Hormon): Kích noãn bào tố
FSH - còn gọi là kích noãn bào tố, là hormon của thùy trước tuyến yên. Ở nữ giới có tác dụng kích thích sự phát triền của noãn bào đến dạng chín gọi là nang Degraf nổi cộm nên trên bề mặt buồng trứng và kích thích bao noãn tiết noãn tố Estrogen. Ở nam giới, FSH có tác dụng kích thích sự phát dục của ống sinh tinh và kích thích các tế bào Sertolia ở ống sinh tinh sản sinh ra tinh trùng.
LH (Luteinsing Hormon): Kích hoàng thể tố
LH là hormon của thùy trước tuyến yên. Ở nữ, LH cùng với FSH thúc đẩy noãn bào chín và tiết nhiều noãn tố. LH còn có tác dụng làm chín mọng màng noãn bào, tăng bài tiết dịch trong xoang bao noãn để đạt đến một áp lực lớn làm noãn bào vỡ ra, trứng được giải phóng ra gọi là trứng rụng. LH biến bao noãn còn lại thành vết sẹo đó là thể vàng và kích thích thể vàng tiết hoàng thể tố Progesteron.
Giữa FSH và LH thì FSH chỉ làm trứng chin mà không làm trứng rụng, muốn trứng chín và rụng được phải có LH. Muốn cho trứng chín rụng được thì tỷ lệ LH/FSH phải bằng 3/1.
HCG (Human Choionic Gonadotropin): Kích tố nhau thai người
HCG xuất hiện trong máu, trong nước tiểu của phụ nữ ở những ngày đầu của thời kỳ có thai, nồng độ cao nhất ở tháng thứ hai, thứ ba và mất dần sau vài ba ngày sau khi đẻ. HCG có tác dụng kích thích tiết Oestrogen và progesteron giống như LH của tuyến yên.
Estrogen: Kích tố bao noãn
Khi nữ giới đến tuổi thành thục về tính noãn bào phát triển đến độ chín và tiết nhiều noãn tố gọi là Estrogen gồm 3 hormon: Estradiol, Estron và Estriol trong đó Estradiol có hoạt lực sinh lý mạnh nhất.
Trên cơ thể sinh vật nói chung, tác dụng sinh lý chủ yếu của Estrogen bao gồm: (1) Tạo nên đặc tính sinh dục thứ cấp ở con cái, biểu hiện những biến đổi của cơ quan sinh dục và tính dục của con vật; (2) Gây ra hành vi động dục; (3) Tăng đồng hóa protein (không mạnh bằng Androgen đối với con đực) làm tăng tích lũy mỡ; (4) Gây tác động ngược lên vùng dưới đồi và tuyến yên để tăng cường tiết LH, góp phần gây ra rụng trứng; (5) Kích thích sự phát triển của tuyến vú.
Estrogen và Progesteron đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng
Estrogen và Progesteron đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng
Progesteron: Kích tố thể vàng
Sau khi trứng rụng, bao noãn còn lại biến thành thể vàng và tiết ra hoàng thể tố Progesteron. Trên cơ thể sinh vật nói chung, Progesteron có tác dụng chủ yếu sau: (1) Kích thích sự phát triển hơn nữa của niêm mạc tử cung, âm đạo tích lũy nhiều glycogen ở các niêm mạc đó sau tác dụng của Ostrogen, làm phát triển hơn nữa lưới mạch máu tử cung để chuẩn bị đón thai thực sự; (2) Ức chế ngược âm tính tuyến yên làm giảm tiết FSH, LH nên trong thời kỳ có chửa không có hiện tượng động dục, không có trứng chín và rụng (trừ ngựa); (3) An thai, bảo vệ thai phát triển trong tử cung; (3) Kích thích sự phát triển của tuyến vú.
Trong thực tế, Progesteron được dùng chữa các bệnh như thiếu thể vàng, chảy máu tử cung, các bộ phận sinh dục kém phát triển, vô sinh và các trường hợp có biến chứng trụy thai…
Prostaglandin
Prostagdin (PG) là một nhóm lipoid được tiết ra từ tuyến tiền liệt ở con đực hay từ nội mạc của ống sinh dục (tử cung, âm đạo) của con cái. Prostagdin có nhiều loại, nhưng loại có hoạt tính mạnh nhất là PGF2α. Tác dụng chủ yếu của Prostagdin gồm: (1) Phá vỡ màng noãn bao để gây rụng trứng; (2) Phá hủy thể vàng, nang nước trên buồng trứng, gây động dục; (3) Gây hưng phấn ống sinh dục, tăng cường nhu động tử cung, kích thích mở cổ tử cung. Do đó Prostagdin còn được ứng dụng trong gây đẻ nhân tạo và trợ sản những ca đẻ khó, rặn đẻ yếu.
Androgen: Kích tố sinh dục đực
Đến tuổi thành thục về tính tuyến sinh dục ở con đực hoạt động mạnh. Tế bào kẽ Leydig nằm giữa các ống sinh tinh trong dịch hoàn tiết hormon sinh dục đực gọi là Androgen, bao gồm 3 hormon: Testosteron, Androsteron, Dehydroandrosteron, trong đó Testosteron có hoạt tính mạnh nhất.
Trên cơ thể sinh vật nói chung, tác dụng sinh lý của Androgen gồm: (1) Tạo nên đặc tính sinh dục thứ cấp của con đực biểu hiện các hành vi tính dục của nó cũng như những phát triển của cơ thể đực như: ngực, mông nở nang, bờm lông phát triển, gà trống cựa mọc dài, màu lông sặc sỡ… (2) Tăng đồng hóa protein (tác dụng mạnh hơn Estrogen ở con cái); (3) Tăng tạo máu; và (4) Thúc đẩy sự phát triển của các tuyến sinh dục phụ: tinh nang, tiền liệt tuyến, tuyến cawper, thông qua đó tăng chất lượng tinh dịch và hoạt lực của tinh trùng.
Oxytocin
Oxytocin còn gọi là hormon trợ sản, có tác dụng sinh lý: (1) Gây co bóp cơ trơn tử cung có tác dụng thúc đẩy thai ra ngoài trong quá trình đẻ; (2) Kích thích bài tiết sữa; (3) Ảnh hưởng nhẹ lên sự co bóp của cơ trơn bọng đái và cơ trơn ruột; gây co mạch máu tử cung.
Prolactin (Luteo tropin hormon - LTH): Kích nhũ tố
Prolactin còn được gọi là kích tố dưỡng thể vàng. Sau khi trứng rụng có hai trường hợp xảy ra:
Nếu trứng rụng mà được thụ tinh thì bao noãn còn lại biến thành thể vàng và tiết một lượng Progesteron đầu tiên dưới tác dụng của LH sau đó LTH duy trì thể vàng và tiếp tục kích thích thể vàng tiết progesteron. Progesteron và estrogen tăng cao trong máu tạo một mối liên hệ ngược âm tính ức chế lại vùng dưới đồi và tuyến yên làm giảm tiêt FSH và LH khiến cho những noãn bào khác không tiếp tục phát triển đến độ chín được làm cho lượng Estrogen giảm xuống. Do đó ở con vật sau khi trứng rụng mà được thụ tinh thì không còn có hiện tượng động dục nữa.
Nếu trứng rụng mà không được thụ tinh thì 7-10 ngày (tùy loài) thể vàng bị teo biến đi thành một vết sẹo màu trắng bạc gọi là thể bạch, lượng Progesteron giảm nhanh chóng khiến việc tiết FSH và LH không còn bị ức chế nữa, những noãn bào khác tiếp tục phát triển đến độ chín và một chu kỳ động dục khác lại xuất hiện.
Ở con đực không có hormon LTH.
Ngay sau khi đẻ, LTH mang tên Prolactin có tác dụng kích thích sự tiết sữa vào xoang sữa để cùng với Oxytocin gây thải sữa ra ngoài.
Inhibin
Inhibin là hormon tham gia vào quá trình điều hòa sự phân tiết FSH, giữ vai trò quan trọng trong việc điều hòa chu kỳ sinh dục và rụng trứng ở con cái.
Cơ chế tác động của Inhibin phối hợp với oestradiol và các hormon gonadotropin trong quá trình điều hòa chu kỳ sinh dục:
Inhibin với một chuỗi bán hủy dài và được toàn bộ các bao noãn có xoang tiết ra có thể ức chế sự phân tiết FSH và đóng các bao noãn rụng trứng.
Oestradiol dường như quyết định sự dao động hàng ngày của FSH và điều này đóng một vai trò quan trọng đối với việc hoạt hóa các noãn bao rụng trứng (ovulatoryfoll đã có được hoạt lực tối đa của enzim acrmataza chuyển hóa androgen thành oestradiol) dưới ảnh hưởng của FSH thì lượng oestradiol được sinh ra từ đó về sau trong pha bao noãn (Follienlar phase) sẽ được quyết định nguồn cung cấp các androgen tiền thân của nó là từ các tế bào nền dưới sự kích thích của LH (không bị ức chế bởi inhibin). Do vậy mà các noãn bao có khả năng thoát ra khỏi vòng ngược liên quan đến FSH và các hormon buồng trứng vào lúc cần thiết để tiết đủ oestradiol kích thích một đợt sóng tăng tiết LH cần cho sự rụng trứng.
Ngoài hiệu ứng ức chế ngược đối với FSH thông qua tác động trực tiếp lên các tế bào tiết gonadotropin trong thùy trước tuyến yên, có một vài bằng chứng cho thấy rằng inhibin có thể tác động lên hypothalamus tuyến tùng và các ảnh hưởng cục bộ lên buồng trứng.
Những nguyên nhân nào gây rối loạn nội tiết tố nữ?
Ở phụ nữ, nguyên nhân gây rối loạn nội tiết tố thường chia thành 2 nhóm chính:
Một là, các bệnh cường tuyến hoặc suy chức năng tuyến khi một tuyến nội tiết nào đó sản sinh ra quá nhiều hoặc quá ít nội tiết tố của tuyến đó, trường hợp này được gọi là mất cân bằng nội tiết tố. Mức tăng hoặc giảm nội tiết tố có thể do cơ chế điều hòa ngược bị rối loạn, hoặc do bệnh lý nào đó gây ra (tiểu đường, suy tuyến thượng thận, hội chứng Cushing, bệnh cường giáp, suy giáp, suy tuyến yên hoặc hội chứng buồng trứng đa nang - PCOS, dậy thì sớm...).
Hai là, các bệnh nội tiết do các tổn thương tiến triển gây ra trong hệ thống nội tiết và làm ảnh hưởng đến nồng độ nội tiết tố trong máu.
Ngoài ra, sự rối loạn nội tiết tố nữ còn có thể do các nguyên nhân như: căng thẳng quá mức, cơ thể bị dung nạp nhiều chất độc hại, mất ngủ trong thời gian dài...
Các nguyên nhân này cơ bản đều ít nhiều ảnh hưởng đến chức năng sinh sản ở phụ nữ, cần được khám và điều trị kịp thời, đặc biệt trước khi có kế hoạch thai sản.
Khi nào cần khám rối loạn nội tiết tố?
Khám rối loạn nội tiết tố là việc làm cần thiết để chẩn đoán tình trạng sức khỏe sinh sản ở người phụ nữ. Chị em nên đi khám nội tiết tố trong những trường hợp sau đây:
Hình minh họa phụ nữ cần khám rối loạn nội tiết
Phụ nữ cần xét nghiệm nội tiết tố nữ
Chu kỳ kinh thay đổi thất thường.
Vô kinh nguyên phát (không có kinh nguyệt).
Vô kinh thứ phát (mất kinh từ 3 tháng liên tục trở lên).
Nghi ngờ mắc bệnh buồng trứng đa nang;
Phụ nữ từ 35 tuổi trở lên.
Trước khi làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Cơ thể suy nhược, thường xuyên mệt mỏi.
Thường xuyên mất ngủ.
Tiết nhiều mồ hôi bất thường.
Tăng cân không kiểm soát.
Rụng tóc…
Cần khám những gì khi nghi ngờ bị rối loạn nội tiết tố nữ?
Đứng trước chị em có dấu hiệu (nghi ngờ) bị rối loạn nội tiết tố, bác sĩ cần khai thác các dấu hiệu bất thường mà bệnh nhân cảm nhận được, đồng thời thăm khám lâm sàng và chỉ định làm các xét nghiệm, các thủ thuật cần thiết giúp có được bằng chứng đầy đủ nhất để chẩn đoán chính xác bệnh, xác định đúng nguyên nhân, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả. Các thăm khám thường bao gồm:
Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh để khai thác tiền sử, bệnh sử người bệnh và gia đình, đặc biệt chú trọng các thông tin như chu kỳ kinh nguyệt, số lần mang thai, các bất thường thai sản (nếu có) của người bệnh và người thân; tiến hành kiểm tra chiều cao, cân nặng; khám toàn thân, khám sản phụ khoa để phát hiện các bất thường có thể có... Kết quả khám lâm sàng sẽ giúp các bác sĩ định hướng đến một hoặc một nhóm bệnh cụ thể, trên cơ sở đó chỉ định các thăm dò, các xét nghiệm cần thiết giúp xác định chẩn đoán.
Tiến hành các xét nghiệm nội tiết cần thiết
Xét nghiệm nội tiết tố nữ thường hướng đến việc đánh giá tình trạng hoạt động, khả năng dự trữ noãn của buồng trứng và sự phát triển của nang noãn, cũng như quá trình rụng trứng có theo chu kỳ sinh lý bình thường hay không. Nói cách khác, kết quả xét nghiệm nội tiết tố sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán đúng nhất tình trạng sức khỏe sinh sản ở chị em phụ nữ, từ đó đưa ra phương án điều trị phù nếu có các rối loạn bệnh lý. Các xét nghiệm đánh giá rối loạn nội tiết tố thông thường bao gồm:
Xét nghiệm LH
Trong cơ thể người phụ nữ, hormon LH có vai trò kích thích các nang trứng phát triển thêm, tăng cường bài tiết estrogen và điều khiển quá trình rụng trứng. Tiến hành xét nghiệm LH khi khám rối loạn nội tiết tố nữ giúp đánh giá khả năng sinh sản ở phụ nữ, khi nồng độ LH quá cao thì sẽ làm cho quá trình rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt bị ảnh hưởng, tăng khả năng mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
Xét nghiệm FSH
Hormon FSH ở cơ thể người phụ nữ có khả năng kích thích phát triển các nang trứng và khởi đầu cho việc bài tiết các estrogen của các nang trứng. Vì vậy tiến hành xét nghiệm này giúp kiểm tra khả năng dự trữ và kích thích sản xuất trứng. Người phụ nữ sẽ có nguy cơ mắc bệnh buồng trứng đa nang nếu có nồng độ FSH cao.
Xét nghiệm Prolactin
Prolactin là một loại hormon cần thiết cho việc duy trì khả năng sinh sản ở phụ nữ. Do đó, khi khám rối loạn hormon thì cần phải tiến hành xét nghiệm Prolactin để biết được khả năng trưởng thành, phát triển của trứng và kích hoạt trứng rụng. Nếu có nồng độ Prolactin cao thì sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và dễ gây ra bị vô sinh.
Xét nghiệm AMH
Xét nghiệm AMH được tiến hành để đánh giá khả năng sinh sản của buồng trứng. Nếu lượng AMH quá thấp thì cơ thể phụ nữ sẽ khó đáp ứng với thuốc khi làm thụ tinh trong ống nghiệm, và ngược lại nếu như lượng AMH quá cao thì cơ thể người phụ nữ lại có thể mắc chứng quá kích buồng trứng và gây vô sinh.
Xét nghiệm testosteron
Testosteron tồn tại một lượng nhỏ ở cơ thể người phụ nữ. Khi tiến hành xét nghiệm, nếu nồng độ testosteron quá cao thì rất có khả năng người phụ nữ bị buồng trứng đa nang hoặc bị một số dạng u hiếm gặp khác. Đây là xét nghiệm cần thiết phải thực hiện khi khám rối loạn nội tiết tố nữ.
Xét nghiệm progesteron
Xét nghiệm này nhằm đánh giá xem buồng trứng có sự phóng noãn hay không.
Xét nghiệm Progesteron trong máu
Xét nghiệm E2 (Estradiol)
Estradiol là một trong những hormon được sản xuất trong buồng trứng. Xét nghiệm hormon này để biết các nang trứng trong buồng trứng tiết estrogen kích hoạt các chu kỳ sinh sản có đúng và ổn định hay không. Nếu nồng độ estradiol quá cao thì người phụ nữ có thể bị thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, nhức đầu, rối loạn cảm xúc, rụng tóc và có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Xét nghiệm nội tiết tố nữ có cần nhịn ăn không?
Khi xét nghiệm nói chung, đa số các bác sĩ khuyên bạn nên nhịn ăn (làm xét nghiệm lúc đói). Tuy nhiên, với xét nghiệm nội tiết tố nữ, bệnh nhân không nhất thiết phải nhịn ăn sáng vì ăn sáng không làm ảnh hưởng tới việc xét nghiệm nội tiết tố nữ.
Xét nghiệm nội tiết vào ngày nào của chu kỳ kinh?
Xét nghiệm nội tiết tố không phải lúc nào làm cũng được. Tùy từng xét nghiệm mà bác sĩ sẽ chỉ định làm vào các ngày khác nhau chu kỳ kinh nguyệt. Cụ thể:
Xét nghiệm FSH, LH: Làm vào ngày thứ 2 đến ngày thứ 4 của chu kỳ kinh.
Xét nghiệm Testosterone, E2, Prolactin, AMH: có thể thực hiện ở ngày bất kỳ.
Xét nghiệm Progesterone: chỉ làm vào ngày thứ 21 của vòng kinh 28 ngày.
Chi phí xét nghiệm nội tiết tố nữ?
TT |
TÊN XÉT NGHIỆM |
GIÁ (VNĐ) |
1 |
FSH |
199.000 |
2 |
LH |
159.000 |
3 |
Testosterone |
159.000 |
4 |
E2 |
159.000 |
5 |
Prolactin |
159.000 |
6 |
AMH |
950.000 |
7 |
Progesterone |
159.000 |
Xét nghiệm nội tiết tố nữ ở bệnh viện nào tốt nhất?
Khám rối loạn nội tiết tố ở đâu chính xác, đơn giản, thuận tiện luôn là vấn đề khiến chị em đau đầu. Trước rất nhiều các bệnh viện, phòng khám; chị em cần tìm hiểu và lựa chọn cho mình cơ sở uy tín; có đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên giỏi, giàu kinh nghiệm; có hệ thống trang thiết bị đồng bộ, hiện đại để thăm khám.
Các cơ sở khám rối loạn nội tiết Nữ uy tín mà Health Việt Nam khuyến cáo chị em có thể hướng đến như: Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Viện Sản C), Trung tâm Mô phôi (Học viện Quân y), Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Chị em cũng có thể gọi số 0899 108 108 hoặc tổng đài tư vấn sức khỏe 1900 633 902 của Health Việt Nam để nhận tư vấn miễn phí từ chuyên gia về các rối loạn nội tiết thường gặp ở phụ nữ và nhận tư vấn xét nghiệm nội tiết tại trung tâm xét nghiệm công nghệ cao Chemedic Việt Nam.
HEALTH VIỆT NAM - Lá chắn an toàn cho sức khỏe người Việt!
Bài viết liên quan
-
-
Trầm cảm ở phụ nữ mang thai
10:30,16/06/2020
-
Các men và vitamin
06:55,25/10/2019
-
Xét nghiệm tiền hôn nhân bao gồm những gì?
21:47,16/07/2020
-
Tác hại đáng sợ của mì gói
15:50,07/12/2018
-
Xét Nghiệm Nội Tiết Tố Nữ - Health Việt Nam
14:02,05/02/2020
-
Trầm cảm ở phụ nữ mang thai