Đào tạo Y học dự phòng
Y học dự phòng
Khái niệm Y học dự phòng
Y học dự phòng (preventive medicine, prophylaxis) là một khoa học về đào tạo, nghiên cứu và tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, các chiến lược, các biện pháp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe để giảm bệnh tật hoặc phòng ngừa, kiểm soát, giám sát sự tiến triển các vấn đề sức khỏe; xác định nhu cầu sức khỏe và lập kế hoạch, quản lý, đánh giá các dịch vụ y tế, đặc biệt là các dịch vụ y tế dự phòng. Nói cách khác, Y học dự phòng là khoa học về bảo vệ sức khỏe, ngăn chặn sự sinh sôi, phát triển, kiểm soát nguồn bệnh.
Hội đồng Y học dự phòng Mỹ (ABPM) định nghĩa: Y tế dự phòng là một chuyên ngành của y khoa thực hành tập trung vào sức khỏe của cá nhân, cộng đồng hay các nhóm dân số xác định. Mục tiêu của y học dự phòng là để bảo vệ, tăng cường và duy trì sức khỏe và chất lượng cuộc sống, phong ngừa bệnh tật, tàn tật và tử vong.
Trong từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam, “Y học dự phòng là lĩnh vực y học chuyên nghiên cứu và triển khai thực hiện các biện pháp nhằm phòng tránh bệnh tật, tai nạn để giữ gìn và nâng cao sức khỏe cho mỗi người và cho cộng đồng xã hội, cải thiện môi trường”.
Y học dự phòng là khoa học liên ngành giữa y học lâm sàng và y tế công cộng. Trong khi y học lâm sàng quan tâm đến chẩn đoán và điều trị bệnh cho một người bệnh thì y tế công cộng quan tâm nhiều hơn đến phòng bệnh và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.
Y học dự phòng bao gồm năm lĩnh vực hoạt động cụ thể là: dịch tễ học, quản lý y tế, y tế dự phòng, sức khỏe môi trường và nghề nghiệp và khoa học nâng cao (tăng cường hoặc thúc đẩy) sức khỏe. Một câu hỏi được đặt ra: Y học dự phòng và y tế dự phòng là 1 khoa học hay là 2 khoa học độc lập nhau. Đây là một vấn đề còn có những ý kiến khác nhau, nhưng theo y văn và trong thực tế hoạt động, thực chất đây là một khoa học thống nhất với nhau, trong đó y học dự phòng là cơ sở lý luận của y tế dự phòng, còn y tế dự phòng là biểu hiện trong thực hành dự phòng bệnh tật của y học dự phòng cũng giống như mối quan hệ giữa y học và y tế. Như vậy, y học dự phòng là một lĩnh vực y tế có liên quan chặt chẽ đến việc thực hiện các biện pháp dự phòng bệnh tật (y tế dự phòng).
Có nhiều biện pháp để phòng ngừa bệnh tật. Có các cấp độ dự phòng khác nhau tương ứng với mỗi giai đoạn trong quá trình phát triển tự nhiên của bệnh. Chiến lược y học dự phòng thường được mô tả theo các cấp từ thấp lên cao bao gồm dự phòng ban đầu, dự phòng cấp I, dự phòng cấp II, dự phòng cấp III. Những năm 1940, Hugh R. Leavell công tác tại tại Trường Y tế công cộng, Đại học Harvard và E. Gurney Clark công tác tại Trường Y tế công cộng, Đại học Columbia đã đặt ra lý thuyết phòng ngừa ban đầu và sau đó được mở rộng ra các cấp dự phòng cao hơn. Các cấp dự phòng hiện nay cơ bản bao gồm:
(1) Dự phòng ban đầu và dự phòng cấp I là các cấp dự phòng tác động vào thời kì khỏe mạnh, nhằm làm giảm khả năng xuất hiện của bệnh, hay chính là giảm tỷ lệ mới mắc với các biện pháp nhằm tăng cường các yếu tố bảo vệ, loại bỏ các yếu tố nguy cơ. Tăng cường sức khỏe nói chung bằng tập luyện thể dục thể thao, sinh hoạt ăn uống điều độ hợp vệ sinh... Chính là tăng cường các yếu tố bảo vệ không đặc hiệu, tiêm chủng vaccin phòng bệnh là tạo ra các yếu tố bảo vệ đặc hiệu. Không hút thuốc lá, bỏ hút thuốc lá chính là loại bỏ yếu tố nguy cơ của ung thư phổi, của các bệnh tim mạch…
(2) Dự phòng cấp II là phát hiện bệnh sớm, khi bệnh mới chỉ có các dấu hiệu sinh học, chưa có biểu hiện lâm sàng, khi phát hiện được bệnh thì tiến hành can thiệp kịp thời sẽ ngăn chặn sự diễn biến tiếp tục của bệnh; tùy theo mỗi bệnh và điều kiện y tế cho phép có thể thực hiện các chương trình phát hiện bệnh khác nhau ở những quần thể khác nhau... sẽ làm giảm tỷ lệ hiện mắc, giảm tỷ lệ tử vong… Ví dụ phát hiện sớm cao huyết áp (một yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh tim mạch), tầm soát ung thư…
(3) Dự phòng cấp III là điều trị bệnh hợp lý nhằm ngăn chặn những diễn biến xấu hay biến chứng của bệnh, hồi phục sức khỏe cho người bệnh. Với bệnh truyền nhiễm điều trị triệt để cho người bệnh là loại bỏ nguồn truyền nhiễm quan trọng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Y học dự phòng có các nhiệm vụ sau:
Đào tạo, nghiên cứu khoa học về y học dự phòng.
Nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách về y học dự phòng.
Chẩn đoán và xác định các nguyên nhân gây bệnh cho cộng đồng. Có thể bắt nguồn từ các yếu tố như môi trường xung quanh, an toàn thực phẩm, môi trường nghề nghiệp…
Phân tích thông tin, dự đoán và kiểm soát được thời gian, nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh để đưa ra phương pháp xử lý.
Lập kế hoạch và tổ chức các chương trình phòng chống các dịch bệnh không lây nhiễm như tai nạn giao thông, các chấn thương do tác nhân bên ngoài…
Nghiên cứu, xây dựng các chiến lược, các kế hoạch y tế dự phòng, tuyên truyền và cung cấp thông tin nhằm tăng hiểu biết cho cộng đồng về cách nhận biết và phòng chống các căn bệnh xã hội.
Tham gia vào các tổ chức chương trình cộng đồng, phi chính phủ chăm sóc người bệnh tại các địa phương, các cơ sở khó khăn…
Biết cách chữa trị và phát hiện một số trường hợp cấp cứu và các bệnh thường gặp.
Tham gia giúp đỡ khắc phục hậu quả thiên nhiên như lũ lụt, động đất…
Đào tạo Y học dự phòng
Chương trình đào tạo
Chương trình đào tạo của ngành y học dự phòng là sự kết hợp của 3 chuyên ngành y học lâm sàng, y tế công cộng và y học gia đình để trang bị cho sinh viên một số kỹ năng về chẩn đoán và xử trí thành thạo các bệnh thường gặp; đánh giá các xét nghiệm, thăm dò chức năng phục vụ chẩn đoán và điều trị các bệnh thường gặp; phát hiện và xử trí bệnh thường gặp theo quan điểm và phương pháp y học gia đình (chăm sóc toàn diện, tư vấn sức khỏe); thực hiện được một số kỹ thuật, xét nghiệm trong y học dự phòng; thu thập và phân tích thông tin về sức khỏe cộng đồng; phát hiện và tổ chức phòng chống dịch bệnh, thực hiện các chương trình y tế quốc gia tại địa phương; phương pháp truyền thông giáo dục sức khỏe để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; tham gia công tác quản lý và đào tạo cán bộ y tế.
Ngành y học dự phòng gồm hai mảng chính là thực hiện các chương trình y tế công cộng, các chương trình y tế quốc gia, tham gia các tổ chức phi chính phủ về y tế, phát triển cộng đồng và tham gia quản lý, chăm sóc người bệnh tại cộng đồng với các bệnh mạn tính, bệnh nghề nghiệp, bệnh xã hội và phục hồi chức năng; xử lý cấp cứu, điều trị các bệnh thường gặp ở các bệnh viện tuyến cơ sở… Chức năng chính của ngành này là phát hiện, xác định và giám sát các vấn đề về sức khỏe cộng đồng; dự báo kiểm soát và khống chế được các bệnh dịch nguy hiểm, các tác nhân truyền nhiễm gây dịch; xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn về phòng chống các bệnh xã hội, quản lý các chương trình y tế, truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng.
Bác sĩ y học dự phòng
Về khối kiến thức, bác sỹ y học dự phòng được đào tạo chẩn đoán, xử lý ban đầu các bệnh tương tự chương trình học của bác sĩ đa khoa nhưng không được học chuyên sâu phần điều trị. Sinh viên theo học ngành này cần tích lũy các kiến thức khoa học cơ bản, khoa học xã hội nhân văn và y sinh học cơ sở làm nền tảng cho y học dự phòng; nắm được kiến thức tổng quát về y học dự phòng, về những bệnh thường gặp và các trường hợp cấp cứu; tiếp thu các phương pháp luận khoa học trong nghiên cứu khoa học dự phòng và có hiểu biết về pháp luật, chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe trong cộng đồng.
Nhiệm vụ của bác sỹ y học dự phòng là người phát hiện, xác định và giám sát các vấn đề về sức khỏe có liên quan đến yếu tố môi trường, tác hại nghề nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các bác sĩ y học dự phòng còn có nhiệm vụ lồng ghép phối hợp các hoạt động y học dự phòng và y tế công cộng, tham gia các chương trình y tế của quốc gia, các viện vệ sinh dịch tễ từ trung ương đến địa phương, khắc phục hậu quả thiên tai, tham gia đào tạo và nghiên cứu khoa học… Họ cũng là người sẽ dự báo kiểm soát và khống chế được các bệnh dịch nguy hiểm, các tác nhân truyền nhiễm gây dịch nhất là ở các ổ dịch bệnh mới phát sinh. Bác sĩ Dự phòng cũng làm nhiệm vụ phòng chống các dịch bệnh không lây nhiễm: tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp, xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn về Y tế dự phòng như phòng chống các bệnh xã hội, quản lý các chương trình y tế, truyền thông giáo dục sức khỏe cho nhân dân. Bác sĩ Y học dự phòng còn tham gia quản lý, chăm sóc người bệnh tại cộng đồng: Các bệnh mãn tính, bệnh nghề nghiệp, bệnh xã hội và phục hồi chức năng và xử trí một số trường hợp cấp cứu và điều trị một số bệnh thường gặp.
Chương trình đào tạo y học dự phòng theo chuẩn đầu ra yêu cầu sinh viên phải đạt được các kỹ năng và một số kiến thức như:
Nhận biết, chẩn đoán và điều trị được các bệnh lý thường gặp.
Nắm chắc được cách thực hiện, đánh giá xét nghiệm các bệnh thường gặp.
Thành thạo các kỹ năng, kiến thức của y học gia đình để chăm sóc toàn diện, tư vấn sức khỏe cho cộng đồng.
Biết thu thập, nâng cao khả năng phán đoán và phân tích các thông tin, biểu hiện bệnh lý của người bệnh.
Biết lập kế hoạch và tổ chức các hoạt động phòng chống dịch bệnh ở các địa phương.
Tham gia các công trình nghiên cứu tìm ra các phương pháp phòng bệnh cho cộng đồng.
Tổ chức các chương trình giáo dục sức khỏe, nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng về cách phòng tránh nhiễm bệnh. Bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Hoạt động chẩn đoán và điều trị bệnh
Hiện nay, số lượng các bác sĩ ngành y học dự phòng vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội. Theo nghiên cứu nếu muốn thực hiện tốt công tác y tế dự phòng thì số lượng các bác sĩ dự phòng phải chiếm tỷ lệ từ 25% đến 30%. Nhưng theo thống kê số lượng bác sĩ y học dự phòng chỉ đạt 14% tổng nhân lực toàn ngành. Do đó, để bổ sung nguồn nhân lực cho ngành cần phải tập trung xây dựng và đầu tư các trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành học này, đồng thời không ngừng bổ sung, cập nhật kiến thức, thái độ, kỹ năng thực hành cho các nhân viên y tế khối y học dự phòng thông qua đào tạo liên tục.
Để có cơ sở cho thiết kế và tổ chức các lớp đào tạo liên tục về y học dự phòng, chúng tôi trình bày các yêu cầu chuẩn đầu ra của bác sỹ y học dự phòng với thời gian đào tạo 6 năm là:
Mục tiêu đào tạo
Mục tiêu chung
Đào tạo Bác sỹ Y học dự phòng có y đức và kỹ năng nghề nghiệp để xác định, đề xuất và tham gia tổ chức giải quyết các vấn đề cơ bản của sức khoẻ cộng đồng, có khả năng tự học vươn lên đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân.
Mục tiêu cụ thể
+ Về thái độ:
- Tận tuỵ với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân;
- Tôn trọng và chân thành lắng nghe ý kiến của cộng đồng về các nhu cầu sức khoẻ và các giải pháp can thiệp nhằm nâng cao sức khoẻ cộng đồng;
- Có tinh thần hợp tác và phối hợp để hoàn thành nhiệm vụ;
- Trung thực, khách quan, có tinh thần học tập vươn lên.
+ Về kiến thức:
- Có kiến thức khoa học cơ bản, khoa học xã hội nhân văn và y sinh học cơ sở làm nền tảng cho y học dự phòng;
- Có kiến thức tổng quát về y học dự phòng để xác định các yếu tố của môi trường tự nhiên, xã hội, nghề nghiệp tác động đến sức khoẻ của cộng đồng;
- Có kiến thức cần thiết để phân tích và lập kế hoạch can thiệp các vấn đề sức khoẻ của cộng đồng;
- Có kiến thức về những bệnh thường gặp và một số bệnh cấp cứu;
- Có phương pháp luận khoa học trong nghiên cứu khoa học dự phòng;
- Có hiểu biết về pháp luật, chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.
+ Về kỹ năng:
- Thu thập và phân tích thông tin về sức khoẻ cộng đồng và y tế công cộng;
- Phát hiện và giám sát các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân của các vấn đề sức khoẻ cộng đồng và y tế công cộng;
- Phân tích các vấn đề và chọn ưu tiên;
- Lập kế hoạch can thiệp;
- Tổ chức thực hiện và giám sát;
- Thực hiện được một số kỹ thuật, xét nghiệm trong y học dự phòng;
- Đánh giá hiệu quả một số can thiệp y học dự phòng và y tế công cộng;
Kỹ năng của bác sĩ Y học dự phòng
Đào tạo liên tục về y học dự phòng
Khái quát chung
Đào tạo liên tục (còn gọi là đào tạo lại) là các khoá đào tạo ngắn hạn bao gồm đào tạo bồi dưỡng để cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ thuật thuộc lĩnh vực chuyên môn đang đảm nhận; đào tạo lại, đào tạo theo nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, đào tạo chuyển giao kỹ thuật và những khoá đào tạo chuyên môn nghiệp vụ khác của ngành y tế mà không thuộc hệ thống bằng cấp quốc gia. Đào tạo liên tục về y học dự phòng là đào tạo liên tục thuộc lĩnh vực chuyên môn y học dự phòng và do các cơ sở đào tạo được cấp phép đào tạo liên tục đảm nhiệm.
Cơ sở đào tạo liên tục ngành y tế (gọi tắt là cơ sở đào tạo) bao gồm các trường/khoa Đại học, trường Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp và Dạy nghề y tế; các đơn vị/trung tâm đào tạo nhân viên y tế thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thuộc các bệnh viện, viện nghiên cứu; các cơ sở đào tạo nhân viên y tế khác sau khi được cấp có thẩm quyền thẩm định cho phép đào tạo.
Tất cả cán bộ, nhân viên y tế đang hoạt động trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam phải được đào tạo cập nhật về kiến thức, kỹ năng, thái độ trong lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Thời gian được đào tạo mỗi năm tối thiểu là 24 giờ thực học. Trong 5 năm mỗi cán bộ, nhân viên y tế phải tham gia học tập và tích luỹ đủ thời gian đào tạo liên tục ít nhất là 120 giờ thuộc lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ đang hành nghề. Thủ trưởng đơn vị y tế có trách nhiệm xem xét cho phép tiếp tục công việc thuộc lĩnh vực chuyên môn với những người không tích luỹ đủ thời gian học trong 5 năm công tác.
Công tác đào tạo liên tục y tế, trong đó có lĩnh vực y học dự phòng được thực hiện theo Thông tư số: 07/2008/TT-BYT ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Bộ Y tế về Hướng dẫn công tác đào tạo liên tục đối với cán bộ y tế.
Bộ Y tế thống nhất quản lý về chương trình và tài liệu dạy- học liên tục về chuyên môn, nghiệp vụ được sử dụng trong các cơ sở đào tạo ngành y tế. Chương trình và tài liệu dạy-học được các cơ sở đào tạo biên soạn, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện đào tạo liên tục cho nhân viên y tế có nhu cầu. Hiện nay chúng tôi đang thực hiện chương trình đào tạo liên tục về y học dự phòng như sau: Tên chương trình: Chương trình đào tạo theo chuẩn Quốc gia Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tuyến tỉnh.
Mục tiêu đào tạo
Mục tiêu tổng quát:
Nâng cao năng lực cho cán bộ về y học dự phòng tuyến tỉnh nhằm giúp CDC tuyến tỉnh đạt được các tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ theo Chuẩn Quốc gia.
Mục tiêu cụ thể:
Giúp cán bộ có đủ năng lực để:
- Lập kế hoạch, tổ chức triển khai, đánh giá và giám sát việc thực hiện kế hoạch hoạt động y tế dự phòng.
- Thực hiện được các xét nghiệm tối thiểu đạt tiêu chuẩn về độ tin cậy.
- Chỉ đạo,đào tạo, hướng dẫn và giám sát chuyên môn về các hoạt động thuộc lĩnh vực phụ trách đối với các tuyến trước.
- Tham gia thực hiện các điều tra nghiên cứu và giáo dục truyền thông sức khỏe trong lĩnh vực y tế dự phòng.
- Áp dụng được các tiêu chuẩn về an toàn hóa học, an toàn sinh học và môi trường trong dịch vụ y tế dự phòng.
- Xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chất lượng dịch vụ theo Chuẩn Quốc gia.
Đối tượng, hình thức đào tạo
- Đối tượng đào tạo: Cán bộ công tác tại CDC tỉnh.
- Chuyên ngành đào tạo: Y học dự phòng
- Thời gian đào tạo: 1 tuần - 2 tháng
- Hình thức đào tạo: Tập trung tại trung ương hoặc địa phương
- Bằng cấp: Giấy chứng nhận của các cơ sở đào tạo cho mỗi chứng chỉ đã học.
Nội dung đào tạo theo từng chuẩn
Chuẩn I: Tổ chức bộ máy và nhân lực
Nội dung |
Thời gian đào tạo |
Phương pháp đào tạo |
Cơ sở đào tạo |
Ghi chú |
Tổ chức các khóa học để nâng cao trình độ tin học và ngoại ngữ và quản lý nhà nước. |
1- 6 tháng |
LT và TH |
Địa phương |
|
Chuẩn II: Cơ sở hạ tầng
Nội dung |
Thời gian đào tạo |
Phương pháp đào tạo |
Cơ sở đào tạo |
Ghi chú |
1.An toàn sinh học |
4-5 ngày |
LT và TH |
CácViện VSDT |
|
2. An toàn hóa học |
4-5 ngày |
LT và TH |
Viện, Trường, chuyên gia |
|
3. An toàn điện, phòng chống cháy nổ. 4. ATVSLĐ |
2-3 ngày
2 ngày |
LT và TH |
Viện, CA PCCN địa phương |
|
Tổng cộng |
2 tuần |
|
|
|
Chuẩn III: Trang thiết bị
Nội dung |
Thời gian đào tạo |
Phương pháp đào tạo |
Cơ sở đào tạo |
Ghi chú |
Kiểm tra chuẩn hóa các trang thiết bị |
1 tuần |
LT và TH |
Viện TTB |
|
Chuẩn IV: Kế hoạch, tài chính, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến
Nội dung |
Thời gian đào tạo |
Phương pháp đào tạo |
Cơ sở đào tạo |
Ghi chú |
1. Cách lập kế hoạch YTDP |
3 ngày |
LT + TH |
Viện, Trường, CGia |
|
2. Giám sát hoạt động YTDP |
3 ngày |
LT + TH |
Viện Trường, CGia |
|
3. Đánh giá chương trình/ hoạt động y tế |
3- 5 ngày |
LT + TH |
Viện, Cgia, Trường |
|
4. Quản lý tài chính và TTB y tế |
2 ngày |
LT + TH |
Viện, Cgia, Trường |
|
5. Phương pháp nghiên cứu khoa học |
1 tuần |
LT + TH |
Trường |
|
6. Phương pháp giảng dạy |
2-3 ngày |
LT + TH |
Cgia, Trường |
|
7. Truyền thông giáo dục sức khỏe |
2-3 ngày |
LT + TH |
TTGDSK, Trường |
|
Tổng cộng |
4 tuần |
|
|
|
Chuẩn V: Hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm
Nội dung |
Thời gian đào tạo |
Phương pháp đào tạo |
Cơ sở đào tạo |
Ghi chú |
1. Quy trình, quản lý giám sát dịch (đường TH, HH, máu, niêm mạc). |
4-5 ngày |
LT và TH |
Viện, Trường |
|
2. Cách lập bản đồ dịch tễ |
2-3 ngày |
LT và TH |
Viện, Trường |
|
3. Hệ thống giám sát dịch bệnh bằng phần mềm |
3-5 ngày |
LT và TH |
Viện, Trường |
|
4. Công tác TK báo cáo, xử lý số liệu |
2-3 ngày |
LT và TH |
Viện, Trường |
|
5. Điều tra xử lý một vụ dịch |
2-3 ngày |
LT và TH |
Viện, Trường |
|
6. Kiểm dịch y tế quốc tế |
2-3 ngày |
LT và TH |
Viện, Trường |
|
7. Phòng chống một số bệnh dịch mới phát sinh (H5N1, SARS,...) |
2-3 ngày |
LT và TH |
Viện, Trường |
|
8. Khám, phân loại và tư vấn trước và sau tiêm chủng. |
2 ngày |
LT và TH |
Viện, Trường |
|
9. Quy trình tiêm chủng an toàn và xử lý phản ứng sau tiêm chủng. |
2 ngày |
LT và TH |
Viện, Trường |
|
10. Giám sát côn trùng và hóa chất diệt côn trùng |
2 ngày |
LT và TH |
Viện, Trường |
|
Tổng cộng |
3-4 tuần |
|
|
|
Đội ngũ cán bộ giảng dạy
Tùy từng khóa học ngắn hạn với các chuẩn khác nhau có đội ngũ giảng viên phù hợp.
Chịu trách nhiệm chung và điều phối chương trình gồm:
- GS.TS. Đào Văn Dũng;
- PGS.TS. Nguyễn Thị Thùy Dương;
- PGS.TS. Phạm Ngọc Châu;
- PGS.TS. Nguyễn Huy Nga và một số cán bộ giảng dạy khác.
Bài viết liên quan
-
-
Tổng đài tư vấn sức khỏe miễn phí hỗ trợ y tế cho mọi nhà
16:16,06/11/2019
-
Tuyển dụng vị trí điều dưỡng viên
16:18,21/11/2019
-
Tác hại đáng sợ của mì gói
15:50,07/12/2018
-
Xét Nghiệm Máu Tại Nhà Hải Phòng - Hỗ Trợ Lấy Máu Tại Nhà
14:18,29/07/2020
-
Xét nghiệm tiểu đường ở đâu tốt? Chi phí hết bao nhiêu tiền?
14:13,16/06/2020
-
Đào tạo Y học dự phòng
14:19,29/07/2020
-
Tổng đài tư vấn sức khỏe miễn phí hỗ trợ y tế cho mọi nhà