Tràn dịch màng tinh hoàn (Hydrocele)
- Tác giả: Học viện Quân y
- Chuyên ngành: Phẫu thuật tiết niệu, sinh dục
- Nhà xuất bản:Học viện Quân y
- Năm xuất bản:2007
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Tràn dịch màng tinh hoàn (Hydrocele)
Tràn dịch màng tinh hoàn là hiện tượng có nhiều dịch ở khoang giữa hai lá của màng tinh hoàn.
Tràn dịch màng tinh hoàn là một bệnh lành tính hoặc là một triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau, mắc ở mọi lứa tuổi ở nam giới, có thể bẩm sinh hay mắc phải, để lâu dễ gây biến chứng viêm teo tinh hoàn.
Bào thai học:
Tuyến sinh dục nguyên thủy nằm ở giữa thân bào thai và sau phúc mạc. Trong quá trình phát triển của khoang cơ thể thành khoang ổ bụng sẽ có quá trình di chuyển của tinh hoàn xuống bìu, sự di chuyển đó kéo theo phúc mạc tạo thành ống phúc tinh mạc, sau này ống phúc tinh mạc bịt lại tạo thành dây chằng Cloque, phần bao bọc lấy tinh hoàn gọi là màng tinh hoàn, gồm lá thành và lá tạng. Khoang tạo bởi hai lá gọi là khoang tinh mạc.
Giải phẫu bệnh:
Số lượng dịch có thể từ vài mililít đến vài trăm mililít.
Dịch có màu vàng chanh hoặc đục như sữa hoặc đỏ, nâu…
Màng tinh hoàn lúc đầu mềm, về sau viêm dày tùy mức độ nặng, nhẹ và thời gian bị bệnh.
Có thể chia thành 4 thể tràn dịch màng tinh hoàn:
Tràn dịch màng tinh hoàn đơn thuần: dịch nằm giữa hai lá của màng tinh hoàn.
Tràn dịch màng tinh hoàn thông thương với ổ bụng: dịch ở khoang tinh mạc thông với khoang ổ bụng qua ống phúc tinh mạc.
Nang nước thừng tinh: ống phúc tinh mạc được bịt lại ở hai đầu phía lỗ bẹn sâu và phía màng tinh hoàn. Dịch khu trú ở đoạn thừng tinh.
Tràn dịch màng tinh hoàn - ống thừng tinh: ống phúc tinh mạc bịt lại ở trên cao phía lỗ bẹn sâu, dịch khu trú ở màng tinh hoàn và ống phúc tinh mạc đoạn thừng tinh.
Bệnh nguyên:
Tràn dịch màng tinh hoàn có thể không rõ nguyên nhân, có thể do các bệnh sau:
Viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn do vi khuẩn không đặc hiệu.
Viêm tinh hoàn hay mào tinh hoàn đặc hiệu (lao, lậu).
Ung thư tinh hoàn.
Chấn thương tinh hoàn gây tràn máu.
Giun chỉ: tràn dưỡng chấp màng tinh hoàn.
Giang mai, xơ gan cổ trướng bẩm sinh.
Triệu chứng:
Tràn dịch màng tinh hoàn thể đơn thuần có các triệu chứng sau:
Triệu chứng cơ năng:
Bìu to và căng, cảm giác nặng tức, khó chịu, đi lại nhiều có thể gây đau khó khăn cho vận động.
Triệu chứng thực thể:
Nhìn: bìu căng to mất nếp nhăn, bìu bên bệnh thấp hơn bên lành.
Sờ: khối phồng căng to, nhỏ tùy theo từng trường hợp, không thay đổi khi dồn ép, có thể lật ngược lên bụng được.
Dấu hiệu Chevasu âm tính (không sờ thấy mào tinh hoàn).
Dấu hiệu Sebileau âm tính (không bấu được màng tinh hoàn).
Dấu hiệu ba động (sóng vỗ) dương tính.
Dấu hiệu soi đèn pin dương tính: khi soi thấy màu hồng đều riêng tinh hoàn là một khối mờ nằm ở sau và thấp. Trong trường hợp tràn máu, mủ, dưỡng chấp hoặc màng tinh hoàn dày dấu hiệu soi đèn pin có thể âm tính.
Gõ: đục.
Chẩn đoán:
Chẩn đoán xác định:
Thường là dễ nếu ta khám xét tỷ mỷ.
Dựa vào các triệu chứng lâm sàng như đã mô tả ở trên, sờ nắn và làm dấu hiệu soi đèn pin dương tính.
Chẩn đoán thể bệnh:
Thể tràn dịch màng tinh hoàn đơn thuần: như mô tả trong phần triệu chứng.
Thể tràn dịch màng tinh hoàn ống thừng tinh: dịch căng lên tận ống thừng tinh, lỗ bẹn. Túi tinh dịch quả lê, ống thừng tinh căng to lên khó đưa được khối phồng ngược lên bụng như trong tràn dịch màng tinh hoàn thể đơn thuần.
Thể tràn dịch màng tinh hoàn thông thương với ổ bụng: khi mới khám hoặc ở tư thế đứng ta thấy đủ các triệu chứng của tràn dịch màng tinh hoàn nhưng khi cho bệnh nhân nằm hoặc ta cố dồn ép khối phồng từ dưới lên thì khối phồng nhỏ đi một cách rõ ràng và có thể nghe được tiếng dịch chảy vào trong ổ bụng. Thường gặp ở trẻ nhỏ.
Thể nang nước thừng tinh: nang nước nằm ở đoạn thừng tinh là một khối tròn căng, mặt nhẵn. Tinh hoàn và màng tinh hoàn vẫn sờ thấy bình thường.
Chẩn đoán nguyên nhân:
Cần phải hỏi và khám xét tỷ mỷ, làm các xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân.
Chẩn đoán phân biệt:
Thoát vị bẹn, bìu: khối u có thể nắn nhỏ và mất hẳn khi nằm nghỉ hoặc dồn ép, khi ho rặn khối u to ra, sờ thấy mào tinh hoàn và tinh hoàn, bấu được màng tinh hoàn, dấu hiệu soi đèn pin âm tính.
Viêm tinh hoàn: khối không nắn nhỏ được, tinh hoàn sưng to, nóng, đỏ, đau, sờ thấy mào tinh hoàn, bấu được vào màng tinh hoàn, soi đèn pin âm tính.
U tinh hoàn: vẫn sờ thấy được tinh hoàn, mào tinh hoàn to, ấn tức, dấu hiệu soi đèn pin âm tính.
Điều trị:
Tràn dịch màng tinh hoàn ở trẻ nhỏ (bệnh lý tồn tại ống phúc tinh mạc) mổ tốt nhất vào 2 tuổi. Tràn dịch màng tinh hoàn thể thông thương với ổ bụng phải đóng được lỗ thông của ống phúc tinh mạc và tái tạo thành bụng.
Các phương pháp phẫu thuật:
Phương pháp Wilkelman: lộn màng tinh hoàn.
Phương pháp Bergman: cắt bỏ màng tinh hoàn.
Phương pháp Lord: rạch da ngay trên bìu tới màng tinh hoàn, mở màng tinh hoàn, khâu màng tinh hoàn cuộn như vành khăn.
Ở trẻ nhỏ: thắt lại ống phúc tinh mạc ở vị trí lỗ bẹn sâu và mở cửa sổ màng tinh hoàn.
-
Tài liệu mới nhất
-
Tính hữu ích của thuốc an thần dạng hít ở bệnh nhân ARDS nặng do COVID-19
20:51,26/03/2023
-
Khuyến cáo về vận chuyển bệnh nhân bệnh nặng trong bệnh viện
22:45,13/03/2023
-
Hồi Sức Sớm Và Tối Ưu Hóa Huyết Động
21:58,13/03/2023
-
Chăm sóc trẻ sau ngừng tim: Tuyên bố khoa học từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ
21:13,09/03/2023
-
Xử trí sau Hồi sức ngưng tim trẻ em
20:47,09/03/2023
-
Nhiễm trùng phổi biến chứng ARDS
20:51,21/02/2023
-
Sự phân chia cơ học hô hấp ở bệnh nhân mắc HC nguy kịch hô hấp cấp tính và mối liên hệ với kết cục
20:54,17/02/2023
-
THÔNG TƯ : QĐ chi tiết về hoạt động và mối quan hệ công tác của Hội đồng Giám định y khoa các cấp
21:34,11/02/2023
-
Áp lực thực quản (Esophageal Manometry )
22:24,09/02/2023
-
Áp lực xuyên phổi: tầm quan trọng và giới hạn
22:55,07/02/2023
-
Tính hữu ích của thuốc an thần dạng hít ở bệnh nhân ARDS nặng do COVID-19