Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh trẻ em: Hội chứng bong vảy da do tụ cầu
- Tác giả: TS.Phạm Thị Mai Hương
- Chuyên ngành: Nhi khoa
- Nhà xuất bản:bệnh viện nhi trung ương
- Năm xuất bản:2020
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh trẻ em: Hội chứng bong vảy da do tụ cầu (Staphylococcal scalded skin syndrome)
TS.Phạm Thị Mai Hương
ĐẠI CƯƠNG
Hội chứng bong vảy da do tụ cầu (Staphylococcal scalded skin syndrome-SSSS) là thương tổn da cấp tính gây nên do ngoại độc tố của tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus). Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hiếm gặp ở người lớn.
NGUYÊN NHÂN
Do tụ cầu thuộc nhóm II gồm các tuýp 3A, 3B, 3C, 55, 71 thông qua ngoại độc tố gây bong tróc da, ly giải thượng bì (Exfoliatin toxins hay Epidermolytic toxins-ETs). Những độc tố này gắn trực tiếp vào desmoglein-1 của desmosomes làm phá vỡ các cầu nối ở lớp tế bào gai của thượng bì, hình thành bọng nước nông. Tụ cầu vàng khu trú ở tai mũi họng, màng tiếp hợp, rốn, tại đó tụ cầu tiết ra ngoại độc tố lưu hành theo máu đến da gây bệnh cảnh lâm sàng.
CHẨN ĐOÁN
Lâm sàng
Có hai hình thái lâm sàng là thể khu trú và thể lan tỏa:
Thể khu trú:
Ban đỏ dạng tinh hồng nhiệt tập trung chủ yếu ở nếp gấp nhưng không tiến triển đến bọng nước.
Thể lan tỏa:
Tổn thương da: Ban đỏ dạng tinh hồng nhiệt khu trú hoặc lan tỏa, ban đầu mịn sau đó trở nên thô sần và xuất hiện những mảng da ráp sờ như giấy nhám “Sand paper”. Sau 24-48 giờ, các da đỏ rõ rệt lan rộng nhanh, trên bề mặt xuất hiện bọng nước mềm, nông, dễ trợt. Các bọng nước có thể liên kết với nhau thành mảng rộng, hình thành nếp nhăn, trợt, bong vảy da mỏng quăn mép như giấy cuốn thuốc lá, để lại nền da đỏ ẩm. Dấu hiệu Nikolsky (+).
Vị trí: Giai đoạn đầu thương tổn ở mặt cổ, các nếp gấp như nách, háng, sau lan ra toàn thân.
Tổn thương niêm mạc: hiếm gặp, đây là đặc điểm quan trọng giúp phân biệt 4S với dị ứng thuốc thể nặng.
Toàn thân: Sốt, mệt mỏi, trẻ quấy khóc.
Trường hợp nặng bệnh nhân có thể bị mất nước, rối loạn điện giải.
Hội chứng bong vảy da do tụ cầu
Cận lâm sàng
Xét nghiệm máu: có thể thấy bạch cầu tăng, máu lắng tăng.
Nuôi cấy vi khuẩn dịch bọng nước thường âm tính, có thể thấy tụ cầu vàng gây bệnh ở tai mũi họng, màng tiếp hợp, nếp kẽ...
Cấy máu: ở trẻ em thường âm tính.
Chẩn đoán xác định:
Chủ yếu dựa vào đặc điểm hình thái lâm sàng, cách phát bệnh, lứa tuổi và tiến triển của bệnh nhân.
Chẩn đoán phân biệt
Hoại tử thượng bì nhiễm độc (toxic epidermal necrolysis)
Bệnh cấp tính, gặp ở người lớn và trẻ lớn, do dị ứng nguyên, thường có sốt. Tổn thương là dát đỏ sẫm màu, bọng nước lùng nhùng, trợt da mảng. Nikolsky (+), niêm mạc: loét trợt miệng, mắt, hậu môn, sinh dục.
Ly thượng bì bọng nước bẩm sinh (epidermolysis bullosa)
Bệnh thường gặp ngay sau đẻ, do di truyền, bệnh tái phát nhiều đợt. Tổn thương là bọng nước, trợt da nhiều ở vùng tì đè, tái phát liên tục, thương tổn cũ hoặc sẹo cũ. Nikolsky (+). Niêm mạc miệng, thực quản, hậu môn loét trợt tái phát.
Bệnh Kawasaki
Bệnh cấp tính, thường gặp ở trẻ em, căn nguyên chưa rõ. Trẻ thường sốt >5 ngày. Tổn thương là ban đỏ, phù nề bàn ngón tay, niêm mạc miệng xung huyết, lưỡi hình ảnh quả dâu. Nikolsky (-).
Ngoài các thương tổn da, bệnh nhân còn có các triệu chứng về tim và mạch máu.
ĐIỀU TRỊ
Nguyên tắc điều trị
Cách ly bệnh nhân ở đơn vị điều trị bỏng hoặc khoa điều trị tích cực.
Bù dịch, kháng sinh, giảm đau, chăm sóc
Phát hiện và điều trị các ổ nhiễm trùng khu trú
Điều trị cụ thể
Chăm sóc thương tổn: giữ cho thương tổn sạch, khô.
Thuốc tại chỗ: kháng sinh bôi (acid fusidic hoặc mupirocin …)
Thuốc toàn thân: kháng sinh tác động đến tụ cầu vàng và liên cầu, mức độ bệnh nhẹ dùng kháng sinh uống, mức độ nặng dùng kháng sinh tiêm truyền.
Khi chưa có kháng sinh đồ dùng theo thứ tự ưu tiên: penicillin kháng lại penicillinase (oxacillin, cloxacillin,…), cephalosporin thế hệ 1,2; clindamycin.
Khi có kháng sinh đồ: dùng theo kháng sinh đồ.
Giảm đau, hạ sốt, thuốc ẩm da nhẹ có thể được sử dụng nếu da trở nên khô trong suốt quá trình lành bệnh.
Chăm sóc (nursing care)
Chăm sóc da, mắt, miệng
Dinh dưỡng và kiểm soát nhiệt độ
TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
Trẻ em có thể gặp biến chứng viêm mô bào, viêm phổi, trẻ sơ sinh bị bong trợt da nhiều gây mất nước điện giải. Tỉ lệ tử vong ở trẻ em < 5%.
Nếu chẩn đoán và điều trị đúng, tổn thương da có thể khô lại, bong vảy da và khỏi không để lại sẹo trong vòng 14 ngày.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Christian R, Warren R (2011), “Staphylococcal Scalded Skin Syndrome”, Harper‘s Textbook of Pediatric Dermatology, 54.8
Kay SK, Peter AL et al (2009), “Staphylococcal Scalded Skin Syndrome”, Color atlas and synopsis of pediatric dermatology, pp 366-368.
Klaus W, Richard AJ (2009), “Staphylococcal Scalded Skin Syndrome”, Color atlas and synopsis of clinical dermatology, pp 626 -628.
Ladhani S. (2001), “Recent developments in Staphylococcal Scalded Skin Syndrome”, Clinical microbiology and infection, pp 301- 307.
Trần Lan Anh (2017), “Hội chứng bong vảy da do tụ cầu”, Bệnh học da liễu II, tr 25-28.
Nguyễn Văn Thường (2019), “Hội chứng bong vảy da do tụ cầu”, Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành da liễu, Tập 1, tr193-196.
-
Tài liệu mới nhất
-
Tính hữu ích của thuốc an thần dạng hít ở bệnh nhân ARDS nặng do COVID-19
20:51,26/03/2023
-
Khuyến cáo về vận chuyển bệnh nhân bệnh nặng trong bệnh viện
22:45,13/03/2023
-
Hồi Sức Sớm Và Tối Ưu Hóa Huyết Động
21:58,13/03/2023
-
Chăm sóc trẻ sau ngừng tim: Tuyên bố khoa học từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ
21:13,09/03/2023
-
Xử trí sau Hồi sức ngưng tim trẻ em
20:47,09/03/2023
-
Nhiễm trùng phổi biến chứng ARDS
20:51,21/02/2023
-
Sự phân chia cơ học hô hấp ở bệnh nhân mắc HC nguy kịch hô hấp cấp tính và mối liên hệ với kết cục
20:54,17/02/2023
-
THÔNG TƯ : QĐ chi tiết về hoạt động và mối quan hệ công tác của Hội đồng Giám định y khoa các cấp
21:34,11/02/2023
-
Áp lực thực quản (Esophageal Manometry )
22:24,09/02/2023
-
Áp lực xuyên phổi: tầm quan trọng và giới hạn
22:55,07/02/2023
-
Tính hữu ích của thuốc an thần dạng hít ở bệnh nhân ARDS nặng do COVID-19