Đại cương bệnh truyền nhiễm
- Tác giả: Học viện Quân y
- Chuyên ngành: Truyền nhiễm và các bệnh nhiệt đới
- Nhà xuất bản:Học viện Quân y
- Năm xuất bản:2015
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Đại cương bệnh truyền nhiễm
ĐỊNH NGHĨA
Bệnh truyền nhiễm còn gọi là bệnh lây -là bệnh thường gặp ở tất cả các châu lục nhưng đặc biệt là ở các nước có khí hậu nóng ẩm (nhiệt đới). Căn nguyên bệnh truyền nhiễm do vi sinh vật gây ra gọi là mầm bệnh, bệnh có khả năng lây truyền trong cộng đồng bằng nhiều đường khác nhau và nhiều khi trở thành các vụ dịch với số lượng người mắc rất lớn. Bệnh thường diễn biến theo các giai đoạn.
LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU
Bệnh truyền nhiễm được biết từ thời cổ xưa. Thời Hypocrát bệnh truyền nhiễm đã được người ta biết đến với tên gọi là “Bệnh dịch” để nói lên tính chất nặng và phát triển rộng của bệnh. Thời đó người ta cho rằng bệnh có liên quan đến “Khí độc”. Vào thế kỷ XVI đã ra đời học thuyết về “Lây” thay cho quan niệm “Khí độc”. Thuyết về sự lây bệnh từ người bệnh này sang người lành được D.S.Samoilovitra đề xuất vào năm 1784, với giả thuyết này tác giả cho rằng căn nguyên gây ra bệnh truyền nhiễm mà trong đó có bệnh dịch hạch là cơ thể sống rất nhỏ bé. Tuy vậy mãi cho tới đầu thế kỷ XIX, cùng với sự ra đời của kính hiển vi, những căn cứ khoa học về bệnh truyền nhiễm mới được chứng minhbởi việc tìm ra một số vi khuẩn mà công đóng góp thuộc về các nhà bác học đi đầu như L. Pasteur, R. Koch, I. Mechnhicốp, G. Minx, D. Ivanôpski… Những thành tựu về vi khuẩn học ở nửa cuối thế kỷ XIX là cơ sở để tách bệnh truyền nhiễm khỏi bệnh học nội khoa chung bởi những nguyên lý khoa học riêng của nó. Sự phát sinh và phát hiện ngày càng nhiều các vi sinh vật gây bệnh làm cho các mặt bệnh truyền nhiễm ngày càng phong phú. Ngày nay số bệnh truyền nhiễm đã được nghiên cứu lên tới hàng trăm và theo sự phát triển thì sẽ có thêm những bệnh mới được đưa vào danh mục các bệnh truyền nhiễm.
VỊ TRÍ VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA MÔN HỌC
Trước kia, bệnh truyền nhiễm được xếp chung vào các bệnh nội khoa. Từ nửa đầu thế kỷ XIX, nó được tách ra thành một chuyên ngành độc lập.
Bệnh truyền nhiễm đa số là những bệnh thường gặp ở tất cả các nước trên thế giới. Tuỳ từng vùng địa lý, khí hậu, tuỳ trình độ dân trí và điều kiện sống của mỗi vùng mà tỷ lệ mắc bệnh và cơ cấu bệnh tật khác nhau (vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, vùng có điều kiện kinh tế xã hội nghèo nàn lạc hậu thì tỷ lệ mắc bệnh cao và có nhiều loại bệnh truyền nhiễm hơn).
Bệnh truyền nhiễm đều có khả năng lây từ người bệnh sang người lành, nhiều bệnh phát triển thành dịch (thậm chí là đại dịch). Do vậy số lượng bệnh nhân truyền nhiễm rất đông và số lượng tử vong cũng lớn.
Ngày nay nhờ sự phát triển của khoa học nói chung và y học nói riêng, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được đẩy lùi, có những bệnh vĩnh viễn bị xoá bỏ (như bệnh đậu mùa). Tuy vậy, một số bệnh truyền nhiễm còn lan tràn và còn là mối đe doạ cho nhân loại như bệnh sốt rét, viêm gan virut, sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết do virut Ebola, nhiễm HIV/AIDS... Một số mầm bệnh trong quá trình phát triển đột biến gây nên những trạng tháI bệnh lý mới, rất nặng và khó chẩn đoán (SARS, cúm A H5N1...)
Việt Nam là nước nhiệt đới, điều kiện sống còn thấp, nhiều tập quán sinh hoạt lạc hậu. Vì vậy, bệnh truyền nhiễm chiếm tỷ lệ rất cao, nhiều vụ dịch xảy ra quanh năm (như sốt xuất huyết Dengue, sốt rét, lỵ trực khuẩn, lỵ amip…).
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA BỆNH TRUYỀN NHIỄM
Những đặc điểm chung
Bệnh truyền nhiễm là bệnh do vi sinh vật gây ra, gọi là mầm bệnh. Thông thường mỗi một bệnh truyền nhiễm do một loại mầm bệnh gây nên, trong trường hợp cá biệt có thể do hai hoặc nhiều mầm bệnh gây nên (sốt rét do P.falciparum + P.vivax kết hợp…)
Bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền từ người bệnh sang người khoẻ bằng nhiều đường khác nhau. Bệnh có thể lây bằng một đường, nhưng có thể lây bằng nhiều đường.
Bệnh truyền nhiễm phát triển có chu kỳ mà trong lâm sàng gọi là các giai đoạn của bệnh diễn ra kế tiếp nhau: Nung bệnh, khởi phát, toàn phát, lui bệnh và hồi phục.
Sau khi mắc các bệnh truyền nhiễm, cơ thể người có đáp ứng miễn dịch dịch thể và đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào. Quá trình đó gọi là miễn dịch bảo vệ. Tuỳ theo bệnh, thể bệnh và tuỳ theo cơ thể người mà miễn dịch được hình thành với mức độ khác nhau, thời gian tồn tại miễn dịch bảo vệ cũng khác nhau.
Đặc điểm tiến triển của bệnh
Bệnh truyền nhiễm diễn ra qua các thời kỳ (hay còn gọi là "giai đoạn") sau:
Thời kỳ nung bệnh
Từ lúc mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể người cho tới trước khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên. Trong thời kỳ này, người bệnh không cảm thấy có triệu chứng gì. Thời kỳ nung bệnh dài hay ngắn phụ thuộc vào loại bệnh, số lượng và độc tính của mầm bệnh, sức đề kháng của cơ thể. Thời kỳ này có thể rất ngắn (hàng giờ) nhưng có thể rất dài (hàng tháng). Có không ít trường hợp người nhiễm bệnh mang mầm bệnh kéo dài (thể tiềm tàng hoặc thể người lành mang khuẩn).
Thời kỳ khởi phát
Là những triệu chứng đầu tiên của bệnh xuất hiện nhưng chưa phải là lúc bệnh nặng và rầm rộ nhất. Bệnh truyền nhiễm có thể khởi phát theo một trong 2 kiểu: từ từ hoặc đột ngột. Hầu hết các bệnh truyền nhiễm đều có sốt và một trong những triệu chứng khởi phát cũng là sốt.
Thời kỳ toàn phát
Là lúc bệnh phát triển rầm rộ nhất và thể hiện đầy đủ các triệu chứng nhất, đồng thời cũng là lúc bệnh nặng nhất. Các biến chứng cũng thường hay gặp trong thời kỳ này. Trong cùng một lúc có thể biểu hiện nhiều triệu chứng ở nhiều cơ quan khác nhau.
Thời kỳ lui bệnh
Do sức chống đỡ của cơ thể người bệnh tốt, mặt khác do tác động của điều trị, mầm bệnh và các độc tố của chúng dần dần được loại trừ ra khỏi cơ thể. Người bệnh sẽ cảm thấy đỡ dần. Những triệu chứng của bệnh ở thời kỳ toàn phát cũng dần dần mất đi. Một số bệnh diễn biến kéo dài, tái phát hoặc để lại hậu quả nghiêm trọng.
Thời kỳ hồi phục (lại sức)
Sau khi mầm bệnh và độc tố của chúng được loại trừ ra khỏi cơ thể người bệnh thì những cơ quan bị tổn thương dần dần bình phục và trở lại hoạt động hầu như bình thường, chỉ còn những rối loạn không đáng kể. Bệnh nhân có thể ra viện về nghỉ ngơi hoặc có thể tiếp tục lao động, chiến đấu được tuỳ theo khả năng bình phục tuy vậy cần phải được tiếp tục theo dõi bởi vì một số trường có tái phát.
PHÂN LOẠI BỆNH TRUYỀN NHIỄM
Phân loại bệnh truyền nhiễm khác nhau giữa các tác giả tuỳ theo mục đích. Trong lâm sàng người ta hay áp dụng cách phân loại bệnh theo đường lây với mục đích dự phòng để tiện cách ly, quản lý và đồng thời cũng tiện cho săn sóc điều trị. Cách phân loại theo đường lây là phân loại theo Gramaxépski (Nga) và chia ra 5 nhóm bệnh là:
Bệnh lây truyền theo đường tiêu hoá.
Bệnh lây truyền theo đường hô hấp.
Bệnh lây theo đường máu.
Bệnh lây truyền theo đường da và niêm mạc.
Bệnh truyền nhiễm có thể lây bằng nhiều đường.
MỘT VÀI QUAN NIỆM KHÁC
Nhiễm trùng hỗn hợp
Thông thường một bệnh truyền nhiễm chỉ do một mầm bệnh gây ra nhưng có khi lại đồng thời một lúc hai hay nhiều mầm bệnh cùng phối hợp tác động gây bệnh. Khi đó gọi là nhiễm trùng hỗn hợp hay đồng nhiễm.
Nhiễm trùng thứ phát
Trong khi bệnh đang tiến triển, chưa khỏi lại có mầm bệnh khác nhờ điều kiện thuận lợi đó mà xâm nhập gây bệnh nặng thêm thì gọi là nhiễm trùng thứ phát (hay bội nhiễm.)
Tái phát
Khi bệnh đang thoái lui nhưng chưa khỏi hẳn, do một điều kiện thuận lợi nào đó mầm bệnh lại phát triển làm cho các triệu chứng của bệnh lại quay trở lại.
Tái nhiễm
Là mắc lại bệnh đó, do nhiễm lại mầm bệnh (mà trước kia đã mắc) thêm lần nữa.
CĂN CỨ CHẨN ĐOÁN VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ
Căn cứ chẩn đoán
Chẩn đoán bệnh truyền nhiễm thường dựa vào những căn cứ sau:
Dịch tễ
Khai thác những người cùng sống đã có ai mắc bệnh tương tự chưa; nhất là việc tiếp xúc với những bệnh nhân có căn bệnh đã được chẩn đoán.
Động vật nơi sống có gì đặc biệt (vì có bệnh lây từ súc vật sang người như than, dịch hạch...).
Khu vực sống hoặc nơi đến công tác có ổ dịch lưu hành gì (sốt rét, dịch hạch, dịch tả...); mùa phát bệnh.
Yếu tố dịch tễ chỉ là yếu tố tham khảo, gợi ý hướng chẩn đoán.
Lâm sàng
Dựa vào những triệu chứng lâm sàng nổi bật và đặc trưng cho từng bệnh. Đây là căn cứ rất có ý nghĩa, trong thực tế lâm sàng đôi khi là quyết định.
Xét nghiệm
Xét nghiệm không đặc hiệu: Công thức máu, tốc độ máu lắng, xét nghiệm nước tiểu và các xét nghiệm chức phận liên quan có thể giúp định hướng cho chẩn đoán.
Xét nghiệm đặc hiệu: Là yếu tố quyết định chẩn đoán. Xác định được mầm bệnh hoặc các dấu ấn của mầm bệnh (kháng nguyên, kháng thể...) đảm bảo tính khoa học cho chẩn đoán xác định.
Phương pháp điều trị bệnh truyền nhiễm
Điều trị bệnh truyền nhiễm phải toàn diện, phải quan tâm cả điều trị đặc hiệu, điều trị theo cơ chế bệnh sinh, điều trị triệu chứng và chế độ chăm sóc dinh dưỡng.
Điều trị đặc hiệu
Là diệt mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút, rickettsia, ký sinh trùng, nấm...). Thuốc diệt mầm bệnh thường là các loại kháng sinh và hoá dược hoặc thảo dược. Điều trị đặc hiệu có ý nghĩa quyết định để bệnh nhân khỏi bệnh.
Điều trị theo cơ chế bệnh sinh:
Tác động trên quá trình sinh bệnh nhằm ngăn cản hoặc điều chỉnh những rối loạn bệnh lý. Điều trị theo cơ chế bệnh sinh hiện nay là biện pháp đặc biệt quan trọng đối với các bệnh do vi rút, vì hiện tại thuốc có tác dụng thực sự diệt virút còn rất ít.
Điều trị triệu chứng
Nhằm làm giảm các triệu chứng giúp cho người bệnh dễ chịu hơn và được coi là biện pháp điều trị hỗ trợ rất cần thiết.
Chế độ chăm sóc và dinh dưỡng
Hầu hết các bệnh truyền nhiễm là bệnh lây và diễn biến cấp tính làm cho cơ thể người bệnh suy sụp nhanh chóng. Do vậy ngoài điều trị bệnh phải rất quan tâm đến chế độ chăm sóc và dinh dưỡng, cụ thể là:
Phải đảm bảo cách ly người bệnh, thường xuyên khử trùng buồng bệnh và các dụng cụ y tế để tránh lây chéo hoặc nhiễm khuẩn bệnh viện.
Ăn theo chế độ ăn bệnh lý cho từng bệnh và đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, vitamin.
DỰ PHÒNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM
Dự phòng đặc hiệu
Vaccin: đã có vaccine phòng 1 số bệnh do vi khuẩn và virut: Sởi- Ho gà Bại liệt, Uốn ván, Viêm gan....…
Dự phòng không đặc hiệu
Vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi.
Vệ sinh môi trường, ngoại cảnh: phân, nước rác...…
Tài liệu tham khảo
Bệnh học Truyền nhiễm và nhiệt đới - Bộ môn Truyền nhiễm HVQY - Nhà xuất bản Y học - Hà nội - 2008
Harrison's: Principles of Internal Medicine - International Edition - 14th, 1998.
-
Tài liệu mới nhất
-
Áp lực xuyên phổi: tầm quan trọng và giới hạn
22:55,07/02/2023
-
Đánh giá cập nhật về chiến lược thông khí hướng dẫn bằng áp lực đẩy và ứng dụng lâm sàng của nó
22:28,07/02/2023
-
Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Y tế
20:56,31/01/2023
-
Chụp CL trở kháng điện để chuẩn độ AL dương cuối thì thở ra trong HC nguy kịch hô hấp cấp tính
15:41,31/01/2023
-
Các kịch bản lâm sàng của ứng dụng chụp cắt lớp trở kháng điện trong chăm sóc tích cực ở trẻ em
22:41,30/01/2023
-
Thông khí hướng dẫn bằng áp lực đẩy so với thông khí bảo vệ phổi ở bệnh nhân ARDS
22:08,12/01/2023
-
Áp lực đẩy và áp lực xuyên phổi: Làm thế nào để chúng tôi hướng dẫn thông khí cơ học an toàn?
22:49,10/01/2023
-
Chuẩn năng lực cơ bản của Cử nhân Dinh dưỡng Việt Nam
20:54,09/01/2023
-
Giảm viêm phổi liên quan đến thở máy ở khoa chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh
21:50,08/01/2023
-
Các chiến lược ngăn ngừa viêm phổi liên quan đến thở máy,...
10:33,07/01/2023
-
Áp lực xuyên phổi: tầm quan trọng và giới hạn