Bệnh viêm màng não mâu cầu - Nguyên nhân và cách phòng chống
Bệnh não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền qua đường hô hấp, gặp ở lứa tuổi trẻ và thường gây thành dịch. Bệnh để lại di chứng nặng nề (20%) như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt. Tỷ lệ tử vong cao (8-15%).
1. Nguyên nhân, phương thức lây truyền và một số đặc điểm bệnh
Tác nhân gây bệnh:
Vi khuẩn não mô cầu, có sức đề kháng yếu, chết vài giờ ở ngoại cảnh. Dễ bị tiêu diệt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Vi khuẩn có 13 nhóm huyết thanh, trong đó có 6 nhóm gây dịch: A, B, C, W-135, X và Y.
Hình minh họa cầu khuẩn màng não
Thời kỳ ủ bệnh từ 2-10 ngày, thông thường 3-4 ngày. Thời kỳ lây truyền thường trong vài ngày trước khi khởi phát đến khi bệnh nhân được cách ly hoặc sau 24h điều trị bằng kháng sinh.
Nguồn truyền nhiễm: bệnh nhân, ổ chứa tự nhiên duy nhất là người. Tỷ lệ người khỏi, lành mang vi rút khá cao đây chính là nguồn lây truyền dịch quan trọng trong cộng đồng.
Phương thức lây truyền: qua đường hô hấp bằng những giọt chất nhầy bắn từ mũi họng của người bệnh vào không khí trong khi ho, hắt hơi, nói chuyện. Lây gián tiếp qua những đồ vật bị ô nhiễm hiếm khi xảy ra (sức đề kháng của vi khuẩn yếu)
Tính cảm nhiễm: Mọi người đều có cảm nhiễm đối với vi khuẩn não mô cầu và tính cảm nhiễm giảm dần theo tuổi. Sau khi nhiễm vi khuẩn, kể cả các trường hợp không có biểu hiện lâm sàng, cơ thể vẫn sinh miễn dịch. Sau mắc bệnh sẽ có miễn dịch suốt đời và rất ít khi bị mắc bệnh lại.
2. Bệnh viêm màng não mô cầu có biểu hiện như thế nào?
Các biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân viêm màng não do mô cầu thường bao gồm:
Sốt cao > 38ºC.
Đau đầu, buồn nôn, nôn, cứng gáy.
Thóp phồng (trẻ nhỏ).
Lơ mơ, nhạy cảm với ánh sáng.
Ban xuất huyết hoại tử hình sao.
Có thể có sốc nhiễm khuẩn.
Đa số người bị nhiễm khuẩn mắc thể không triệu chứng và trở thành người lành mang trùng, một số mắc thể nhẹ (viêm mũi họng cấp) và một số ít mắc thể điển hình (viêm màng não tuỷ cấp).
Một bệnh nhân viêm màng não mô cầu nguy hiểm được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương (Nguồn: vietnamplus.nv)
3. Cách phòng chống dịch viêm màng não mô cầu trong trường học
Phát hiện bệnh nhân và thông báo dịch
Dịch não mô cầu có khả năng lây lan nhanh nên việc phát hiện và điều tra sớm có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch.
Khai báo ngay cho cơ quan y tế (TT YTDP quận/huyện) khi có ca bệnh nghi ngờ để tiến hành điều tra xác minh dịch (điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm) và triển khai các biện pháp chống dịch.
Thực hiện báo cáo dịch hàng ngày theo đúng quy định báo cáo dịch: báo cáo trước 11 giờ ngày hôm sau bằng điện thoại, fax hoặc email.
Khi không có ca bệnh mới xuất hiện trong thời gian 20 ngày kể từ ngày khởi phát ca bệnh gần nhất thì có thể được xem như là dịch đã kết thúc.
Cách ly bệnh nhân viêm màng não mô cầu
Cách ly trẻ bệnh tối thiểu 24h sau khi dùng kháng sinh đặc hiệu.
Bệnh nhân phải được quản lý và điều trị tại cơ sở y tế nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng và tử vong.
Bệnh nhân phải được cách ly tại phòng riêng, hạn chế tiếp xúc và đeo khẩu trang (tối thiểu 24h sau khi dùng kháng sinh đặc hiệu).
Theo dõi sức khoẻ những người đã tiếp xúc (giáo viên, học sinh 7 ngày trước khi khởi phát) với trẻ bệnh trong vòng 10 ngày và hướng dẫn cách phát hiện bệnh, hạn chế tiếp xúc và cách ly khi cần thiết.
Điều trị và khử trùng
Không cần khử trùng lớp học hoặc phòng y tế của trường vì vi khuẩn não mô cầu rất yếu ở môi trường. Chỉ lau chùi đồ đặc, bề mặt sinh hoạt bằng các chất tẩy rửa thông thường, thông thoáng khí và có ánh sáng mặt trời.
Hướng dẫn các cháu rửa tay bằng xà phòng đúng cách và thường xuyên.
Vệ sinh cá nhân, mũi họng bằng dung dịch diệt khuẩn.
Truyền thông giáo dục sức khỏe
Truyền thông nguy cơ lây bệnh, cung cấp các thông tin cần thiết cho giáo viên, cán bộ nhà trường về cách phát hiện bệnh não mô cầu và các biện pháp phòng dịch.
Tiêm Vaccine phòng não mô cầu
Tiêm vaccine não mô cầu là biện pháp hiệu quả nhất, đặc biệt là cho trẻ em. Cần tiêm mũi 1 cho tất cả trẻ em từ 3 tuổi trở lên và cứ sau 3-5 năm tiêm nhắc lại 1 mũi (vắc xin chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng).
Việc quyết định tiêm vắc xin cho nhóm đối tượng nguy cơ cao trong vùng dịch cần dựa trên cơ sở phân tích dịch tễ của từng vụ dịch và theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Nhà trường cần cộng tác chặt chẽ với ngành y tế trong việc phát hiện, báo cáo ca bệnh và chống dịch.
Đóng cửa trường học
Việc đóng cửa trường học cho đến nay đã được đánh giá là có hiệu quả trong việc giảm sự lây truyền của bệnh dịch lây qua đường hô hấp tại trường học. Tuy nhiên, biện pháp này ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của xã hội và được đánh giá là không hoặc rất ít có hiệu quả trong làm giảm sự lây lan dịch trong cộng đồng nói chung.
Hiện tại biện pháp quan trọng để làm giảm sự lây lan bệnh dịch trong trường học chính là tập trung vào việc hướng dẫn và thực hiện giám sát phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ trong trường học (cả học sinh, giáo viên và nhân viên nhà trường) để tiến hành cách ly được sớm và thực hiện các biện pháp phòng chống lây lan. Muốn làm được điều này cần phải phối hợp thật chặt chẽ hệ thống giám sát, phát hiện và báo cáo ca bệnh giữa học sinh - phụ huynh học sinh - thầy cô giáo - nhà trường và cơ quan y tế.
Đóng cửa trường học làm giảm sự lây truyền của bệnh dịch lây qua đường hô hấp tại trường học.
Nguyên tắc đóng cửa trường học:
Việc cân nhắc tạm đóng cửa trường học phải tuỳ thuộc vào tình hình dịch tễ cụ thể của từng ổ dịch (số mắc, số tiếp xúc và khả năng lây nhiễm).
Phạm vi đóng cửa trường học (từng lớp, một số lớp hoặc toàn trường) cũng tuỳ thuộc vào tình hình dịch cụ thể ở từng trường và do từng địa phương quyết định.
Một số tình huống:
Tình huống 1:
Nếu chỉ xuất hiện một hoặc một số ca bệnh tản phát trong trường học và những ca bệnh này không có liên quan dịch tễ với nhau và không có dấu hiệu của việc lây lan thứ phát trong trường thì không cần đóng cửa trường học.
Giải pháp trong trường hợp này là cần nhanh chóng cách ly bệnh nhân khỏi trường học.
Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân mà điều trị cách ly tại cơ sở y tế hay tại nhà theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Những bệnh nhân không được đến trường ít nhất 1 ngày sau khi hết mọi triệu chứng của bệnh (đối với những bệnh vẫn có khả năng lây truyền sau khi khỏi bệnh thì phải nghỉ học lâu hơn). Có biện pháp phòng lây nhiễm cho học sinh khác và cán bộ nhà trường.
Tình huống 2:
Khi xuất hiện chùm ca bệnh trong một lớp hoặc một số lớp học (có liên quan dịch tễ với nhau và có dấu hiệu của việc lây lan thứ phát) thì chỉ cho nghỉ lớp học đó hoặc một số lớp học có các chùm ca bệnh liên quan. Các lớp học khác trong trường vẫn hoạt động bình thường.
Tình huống 3:
Khi xuất hiện nhiều ca bệnh/chùm ca bệnh có liên quan dịch tễ với nhau trong nhiều lớp học, hoặc số học sinh và giáo viên của nhà trường nghỉ học, nghỉ làm việc quá nhiều do mắc bệnh khiến không thể duy trì được hoạt động của trường học hoặc nhà trường không thể kiểm soát và ngăn chặn được học sinh nghi ngờ mắc đến trường thì mới quyết định đóng cửa toàn trường.
Thời gian đóng cửa trường học:
Thời gian đóng cửa trường học tối thiểu là bằng thời gian ủ bệnh tối đa của bệnh. Sau đó xem xét tình hình cụ thể của từng ổ dịch để quyết định mở cửa trở lại hoặc tiếp tục đóng cửa thêm.
>> Xem các vaccine phòng não mô cầu Tại đây
>> Để có thêm thông tin về cách phòng và điều trị bệnh, lịch tiêm phòng và các loại vaccine phòng bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa. Bạn có thể gọi số 0896 108 108 / 0899 108 108 hoặc tổng đài tư vấn sức khỏe 1900 633 902 của Health Việt Nam, các chuyên gia, bác sĩ luôn sẵn sàng tư vấn miễn phí và hỗ trợ bạn.
HEALTH VIỆT NAM - Lá chắn an toàn cho sức khỏe người Việt!