Ung thư biểu mô đường niệu trên
- Tác giả: Bộ Y tế
- Chuyên ngành: Ung Bướu
- Nhà xuất bản:Bộ Y tế
- Năm xuất bản:2020
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Ung thư biểu mô đường niệu trên
ĐẠI CƯƠNG
Ung thư biểu mô đường niệu trên là một khối u ác tính phát sinh từ các tế bào biểu mô chuyển tiếp của đường niệu từ bể thận đến lỗ niệu quản. Bệnh ít gặp chiếm khoảng 5-10% ung thư biểu mô đường tiết niệu với tỷ lệ mắc hàng năm ở các nước phương Tây khoảng 2/100.000 dân. Khoảng 60% trường hợp bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn xâm lấn.
Nguyên nhân chính xác của ung thư biểu mô đường niệu hiện nay chưa xác định được rõ; tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ đã được xác định. Công nhân trong các ngành công nghiệp hóa chất, hóa dầu, nhuộm anilin và nhựa, cũng như những người tiếp xúc với than, than cốc và nhựa đường, có nguy cơ cao mắc bệnh xương chậu và khối u niệu quản. Hút thuốc lá dường như là yếu tố nguy cơ mắc phải đáng kể nhất đối với đường tiết niệu trên (70% khối u đường tiết niệu trên ở nam giới và 40% ở phụ nữ có nguyên nhân do hút thuốc). Thảo dược Trung Quốc có khả năng gây bệnh thận do acid aristolochic được tìm thấy trong một số phương thuốc thảo dược được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc. Lạm dụng thuốc giảm đau là một yếu tố nguy cơ; như sử dụng phenacetin dẫn đến tăng gấp 20 lần nguy cơ đối với các khối u ở niệu quản thận. Các thuốc hóa trị như Cyclophosphamide và ifosfamide có liên quan đến sự phát triển của ung thư đường tiết niệu trên và dưới, đặc biệt là sau viêm bàng quang xuất huyết do thuốc.
CHẨN ĐOÁN
Chẩn đoán xác định
Triệu chứng cơ năng
Ung thư biểu mô đường tiết niệu trên có thể được phát hiện tình cờ qua thăm khám hoặc có các dấu hiệu gợi ý bệnh bao gồm:
Tiểu máu là triệu chứng xuất hiện phổ biến nhất, xảy ra ở 75-95% bệnh nhân. Tiểu máu vi thể xảy ra ở 3-11% bệnh nhân.
Khoảng 14-37% bệnh nhân biểu hiện đau. Đau thường âm ỉ và được gây ra bởi sự tắc nghẽn dần dần của hệ thống đường niệu. Đau bụng cũng có thể xảy ra với sự di chuyển của cục máu đông.
Bệnh nhân có thể sốt do nhiễm trùng đường tiết niệu đi kèm. Dấu hiệu toàn thân như: mệt mỏi, chán ăn, gầy sút cân...
Các triệu chứng di căn xa:
Di căn xương: Đau xương, gãy xương
Di căn phổi: Ho kéo dài, đau tức ngực
Di căn gan: Gan to, đau hạ sườn phải.
Triệu chứng thực thể
Triệu chứng lâm sàng thường không điển hình, đặc biệt là ở những bệnh nhân mắc bệnh ở giai đoạn đầu.
Khám bụng sờ thấy khối u ở khoảng 20% trường hợp.
Bộ ba lâm sàng cổ điển bao gồm tiểu máu, đau và sờ thấy khối u hiếm gặp (chiếm 15%) và thường là một dấu hiệu của bệnh ở giai đoạn tiến triển, di căn xa.
Ung thư đường niệu thấp vị trí tuyến tiền liệt xâm lấn có thể khám qua thăm trực tràng đánh giá kích thước tính chất tổn thương.
Các triệu chứng toàn thân như gầy sút ăn kém suy kiệt nổi hạch di căn xa khi bệnh tiến triển.
Cận lâm sàng
Xét nghiệm máu, nước tiểu
Tổng phân tích nước tiểu: Sự hiện diện của đái máu vi thể cho thấy có hồng cầu trong nước tiểu. Đánh giá tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu kèm theo.
Xét nghiệm tế bào học nước tiểu là một phương pháp chẩn đoán thuận tiện và không xâm lấn, nhưng có độ nhạy thấp để chẩn đoán khối u đường tiết niệu trên, đặc biệt là tổn thương có độ mô học thấp.
Xét nghiệm công thức máu đánh giá tình trạng thiếu máu. Xét nghiệm sinh hóa máu đánh giá chức năng gan thận.
Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u (tumor marker): CEA, CA 19-9, BTA (bladder tumor antigen) tăng cao trong một số trường hợp. Có giá trị theo dõi đáp ứng điều trị, phát hiện bệnh tái phát, di căn xa.
Giải trình tự nhiều gen.
Xét nghiệm mức độ biểu hiện PD-L1.
Chẩn đoán hình ảnh
Chụp đường niệu có thuốc cản quang (UIV) đánh giá tổn thương bất thường ở đường tiết niệu trên, có thể được phát hiện ở 50-75% bệnh nhân. Chống chỉ định với bệnh nhân có suy thận.
Siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính (CT scan) ổ bụng giúp đánh giá khối u, mức độ xâm lấn của khối u, hạch ổ bụng, các tổn thương di căn xa. CT scan có thể phân biệt giữa sỏi thận và khối u đường tiết niệu trên.
Nội soi bàng quang giúp xác định vị trí chảy máu tại bàng quang hay từ lỗ niệu quản trái hoặc phải, phát hiện tổn thương bàng quang kết hợp.
Nội soi niệu quản ngược dòng: Đánh giá được vị trí khối u, tình trạng chảy máu. Kỹ thuật nội soi ngược dòng đặc biệt hữu ích khi chức năng thận không cho phép đánh giá được bằng UIV như: suy thận hoặc dị ứng với thuốc cản quang. Kết hợp sinh thiết trong nội soi niệu quản cho phép chẩn đoán xác định bệnh. Chẩn đoán chính xác có thể đạt được trong 80-90% trường hợp.
Chụp Xquang phổi, chụp cắt lớp vi tính (CT) ngực đánh giá tình trạng di căn phổi Chụp cộng hưởng từ hệ tiết niệu để đánh giá kích thước khối u, mức độ xâm lấn vào các tổn thương lân cận.
Chụp cộng hưởng từ sọ não phát hiện tổn thương di căn não.
Y học hạt nhân
Xạ hình xương bằng máy SPECT, SPECT/CT với 99mTc-MDP để đánh giá tổn thương di căn xương, chẩn đoán giai đoạn bệnh trước điều trị, theo dõi đáp ứng điều trị, đánh giá tái phát và di căn.
Xạ hình thận chức năng bằng máy SPECT, SPECT/CT với 99mTc-DTPA để đánh giá chức năng thận trước điều trị và sau điều trị.
Chụp PET/CT với 18F-FDG trước điều trị để chẩn đoán u nguyên phát, chẩn đoán giai đoạn bệnh; chụp sau điều trị để theo dõi đáp ứng điều trị, đánh giá tái phát và di căn.
Chẩn đoán mô bệnh học
Ung thư biểu mô đường niệu chiếm hơn 90% các khối u đường tiết niệu, các thể mô bệnh học khác ít gặp bao gồm: ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC) và ung thư biểu mô tuyến.
Ung thư biểu mô đường niệu của đường tiết niệu trên giống hệt về mặt mô học với ung thư bàng quang. Hầu hết ung thư biểu mô đường niệu thường gặp thể nhú, có thể là một hoặc nhiều vị trí.
Ung thư biểu mô phẳng tại chỗ cũng có thể phát triển trong đường tiết niệu, có thể ở niệu quản xa của 20-35% bệnh nhân phẫu thuật cắt bàng quang do ung thư bàng quang.
Chẩn đoán giai đoạn
Phân loại TNM lần thứ 8 của ung thư biểu mô đường tiết niệu trên.
T: U nguyên phát
Tx Khối u nguyên phát không thể đánh giá được
T0 Không có bằng chứng về khối u nguyên phát
Ta Ung thư biểu mô không xâm lấn
Tis Ung thư biểu mô tại chỗ
T1 Khối u xâm lấn mô liên kết dưới biểu mô
T2 Khối u xâm lấn vào lớp cơ
T3 Khối u xâm lấn ra ngoài lớp cơ vào mỡ quanh màng bụng hoặc mỡ quanh thận hoặc vào nhu mô thận.
T4 Khối u xâm lấn các cơ quan lân cận hoặc qua thận vào lớp mỡ quanh thận.
N: Hạch vùng
Nx Các hạch bạch huyết khu vực không thể được đánh giá
N0 Không di căn hạch vùng
N1 Di căn một hạch bạch huyết, kích thước hạch ≤2cm.
N2 Di căn một hạch bạch huyết, kích thước hạch >2cm hoặc di căn nhiều hạch
M: Di căn xa
M0 Chưa di căn xa
M1 Có di căn xa
Độ mô học:
Đối với ung thư biểu mô đường niệu
LG Độ thấp
HG Độ cao
Đối với ung thư biểu mô vảy và ung thư biểu mô tuyến:
Gx Không xác định được độ mô học
G1 Biệt hóa cao
G2 Biệt hóa trung bình
G3 Biệt hóa thấp
Phân loại giai đoạn
Giai đoạn 0a TaN0M0
Giai đoạn 0is TisN0M0
Giai đoạn I T1N0M0
Giai đoạn II T2N0M0
Giai đoạn III T1-2,N1, M0
T3N0-1M0
Giai đoạn IV T4N0-1M0
Tbất kỳN2M0
Tbất kỳNbất kỳM1
ĐIỀU TRỊ
Nguyên tắc điều trị
Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt căn, áp dụng khi bệnh ở giai đoạn tại chỗ, tại vùng. Kết hợp với bơm hóa chất tại chỗ trong trường hợp ung thư biểu mô tại chỗ (CIS) hoặc hóa trị bổ trợ nhằm giảm tỷ lệ tái phát sau khi phẫu thuật.
Điều trị nội khoa bao gồm hóa trị và liệu pháp miễn dịch thường được sử dụng điều trị bổ trợ sau phẫu thuật trong trường hợp khối u có độ mô học cao, xâm nhập hoặc những trường hợp chống chỉ định phẫu thuật (thể trạng bệnh nhân kém hoặc bệnh tiến triển).
Vai trò của xạ trị trong ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp đường tiết niệu trên không được xác định rõ. Một số nghiên cứu cho thấy rằng xạ trị có thể có một số tác dụng như liệu pháp bổ trợ để cải thiện kiểm soát tại chỗ sau khi điều trị phẫu thuật đối với bệnh tiến triển. Ngoài ra, xạ trị có thể áp dụng điều trị phối hợp các trường hợp tổn thương di căn xa như: di căn xương, não…
Điều trị theo giai đoạn
Giai đoạn bệnh chưa di căn, độ mô học thấp: phẫu thuật nội soi ± hóa chất bơm đường niệu.
Giai đoạn bệnh chưa di căn, độ mô học cao, khối u lớn, xâm lấn rộng: phẫu thuật triệt căn ± hóa trị bổ trợ.
Giai đoạn di căn xa: điều trị toàn thân (hóa trị, miễn dịch)
Giai đoạn pT0, pT1: sau phẫu thuật không điều trị hóa chất bổ trợ
Giai đoạn pT2, pT3, pT4, pN(+): cân nhắc hóa trị bổ trợ.
Phẫu thuật
Bệnh giai đoạn sớm, độ mô học thấp đáp ứng tốt với điều trị phẫu thuật triệt căn hoặc bảo tồn. Bệnh giai đoạn muộn, độ mô học cao, phẫu thuật triệt căn, nạo vét hạch kết hợp hóa trị bổ trợ.
Phẫu thuật nội soi
Các khối u của đường tiết niệu trên có thể được cắt bỏ bằng phương pháp nội soi ngược dòng. Chỉ định phẫu thuật nội soi bao gồm: số lượng 1 u, có cấu trúc nhú, kích thước <1,5cm, độ mô học thấp, kết quả sinh thiết u cho thấy không xâm nhập.
Phẫu thuật nội soi cho kết quả tương đương với phẫu thuật cắt thận - niệu quản trong trường hợp khối u đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trên.
Phẫu thuật cắt thận - niệu quản, một phần bàng quang (Neuphrouretectomy with cuff bladder)
Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ thận, niệu quản, một phần bàng quang kèm nạo vét hạch vùng áp dụng cho các trường hợp u đường niệu trên đa ổ, kích thước lớn, độ mô học cao, kết quả sinh thiết cho thấy u xâm nhập.
Phẫu thuật cắt đoạn niệu quản
Các khối u niệu quản đoạn giữa có độ mô học thấp, đơn độc có thể được điều trị bằng phẫu thuật cắt đoạn niệu quản.
Các khối u niệu quản đoạn xa có thể được điều trị bằng phẫu thuật cắt đoạn niệu quản xa và tái ghép niệu quản nếu không có tổn thương đa ổ.
Bơm hóa chất bể thận, bàng quang
Điều trị hóa chất tại chỗ được sử dụng như liệu pháp điều trị bổ trợ để giảm tỷ lệ tái phát sau khi phẫu thuật cắt u bể thận qua nội soi hoặc sau phẫu thuật cắt thận - niệu quản có độ mô học thấp.
Bacille Calmette-Guérin (BCG)
Trái ngược với hiệu quả của BCG trong ung thư bàng quang, khả năng BCG điều trị ung thư biểu mô đường niệu tiến triển rất hạn chế. Liều 80mg, bơm hàng tuần.
Mitomycin-C
Tỷ lệ tiến triển và tái phát của đường tiết niệu trên sau khi điều trị bằng mitomycin-C tương đương với BCG. Tuy nhiên, biến chứng ít gặp hơn khi bơm hóa chất đường niệu bằng mitomycin-C, nên mitomycin-C là liệu pháp đầu tiên trong điều trị dự phòng thứ phát của đường tiết niệu trên.
Liều: 40mg, bơm hàng tuần
Gemcitabine: Liều 2000mg, bơm hàng tuần
Doxorubicin: Liều 50mg, bơm hàng tuần
Epirubicine: Liều 80mg, bơm hàng tuần
Thiopeta٭: Liều 30mg, bơm hàng tuần
Hóa trị
Các hóa chất thường sử dụng trong điều trị ung thư biểu mô đường niệu trên bao gồm nhóm platinum, doxorubicin, gemcitabine, taxane, bleomycin…
Một số phác đồ hóa chất thường được sử dụng như:
MVAC
Methotrexate: 30mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1, 15, 22
Vinblastine: 3mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 2, 15, 22
Doxorubicin: 30mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 2
Cisplatin: 70mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 2
Chu kỳ 28 ngày.
CMV
Methotrexate: 30mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1, 8
Vinblastine: 4mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1, 8
Cisplatin: 100mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 2 (sau truyền Methotrexate 12 giờ)
Chu kỳ 21 ngày.
MCV
Methotrexate: 30mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1, 15, 22
Carboplatin: AUC 4-5, truyền tĩnh mạch ngày 1
Vinblastine: 3mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 2, 15, 22
Chu kỳ 28 ngày.
ITP
Ifosfamide: 1.500mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1-3
Paclitaxel: 200mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1
Cisplatin: 70mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1
Chu kỳ 21 ngày.
Gemcitabine - cisplatin
Gemcitabine: 1.000mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1, 8, 15
Cisplatin: 75mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1
Chu kỳ 28 ngày.
Gemcitabine - carboplatin
Gemcitabine: 1.000mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1, 8
Carboplatin: AUC 4, truyền tĩnh mạch ngày 1
Chu kỳ 21 ngày.
Gemcitabine - paclitaxel
Gemcitabine: 1.000mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1, 8, 15
Paclitaxel: 200mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1
Chu kỳ 21 ngày.
Gemcitabine - docetaxel
Gemcitabine: 1.000mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1, 8, 15
Docetaxel: 60mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1
Chu kỳ 21 ngày.
Docetaxel - cisplatin
Docetaxel: 75mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1
Cisplatin: 75mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1
Chu kỳ 21 ngày.
Paclitaxel - carboplatin
Paclitaxel: 225mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1
Carboplatin: AUC 6, truyền tĩnh mạch ngày 1
Chu kỳ 21 ngày.
CAP
Cyclophosphamide: 400mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1
Doxorubicin: 40mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1
Cisplatin: 75mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 2
Chu kỳ 21 ngày.
Điều trị miễn dịch:
Thuốc ức chế PD-1 / PD-L1
Pembrolizumab
Liều sử dụng: 200mg, truyền tĩnh mạch, chu kỳ 3 tuần
Điều trị đến lúc bệnh tiến triển hoặc tối đa 2 năm.
Atezolizumab
Chỉ định giai đoạn ung thư biểu mô di căn hoặc những bệnh nhân giai đoạn di căn mà không đủ điều kiện hóa trị liệu có chứa cisplatin và có khối u biểu hiện PD-L1 (PD-L1 nhuộm tế bào miễn dịch (IC) chiếm 5% diện tích khối u), ở những bệnh nhân không đủ điều kiện sử dụng liệu pháp chứa platin bất kể tình trạng PD-L1, hoặc ở những bệnh nhân tiến triển bệnh trong hoặc sau khi sử dụng bất kỳ hóa trị liệu có chứa platin hoặc trong vòng 12 tháng sử dụng hóa trị tân bổ trợ hoặc bổ trợ.
Liều sử dụng: 1.200mg chu kỳ 3 tuần.
Tiếp tục duy trì cho đến khi bệnh tiến triển hoặc độc tính không thể chấp nhận được.
Nivolumab٭
Liều sử dụng: 240mg, truyền tĩnh mạch chu kỳ 2 tuần hoặc 480mg chu kỳ 4 tuần. Tiếp tục điều trị cho đến khi bệnh tiến triển hoặc độc tính không thể chấp nhận được.
Durvalumab٭
Liều sử dụng: 10mg/kg, truyền tĩnh mạch, chu kỳ 2 tuần.
Tiếp tục điều trị cho đến khi bệnh tiến triển hoặc xuất hiện độc tính hoặc tối đa 12 tháng.
Avelumab٭
Liều sử dụng: 10mg/kg, truyền tĩnh mạch, chu kỳ 2 tuần.
Tiếp tục điều trị cho đến khi bệnh tiến triển hoặc độc tính không thể chấp nhận được.
Thuốc điều trị đích phân tử nhỏ
Erdafitinib٭
Liều khởi đầu: 8mg, uống hàng ngày, tăng lên đến liều 9mg, uống hàng ngày nếu thuốc dung nạp tốt, độc tính chấp nhận được.
Xạ trị
Nhìn chung, ung thư biểu mô đường niệu ít nhạy cảm với xạ trị. Xạ trị chỉ được chỉ định trong một số ít các trường hợp.
Xạ trị chiếu ngoài
Chỉ định
Xạ trị hậu phẫu: cho bệnh giai đoạn III/IV, có độ mô học cao hoặc các trường hợp phẫu thuật cắt u tiếp cận hoặc cắt bỏ không hoàn toàn được tổ chức ung thư sau phẫu thuật. Liều xạ từ 50-60Gy, phân liều 2Gy/ngày.
Xạ trị triệu chứng: xạ trị giảm đau, xạ trị toàn não, xạ trị chống chèn ép. Liều xạ 30Gy phân liều 3Gy/ngày hoặc 40Gy phân liều 2Gy/ngày.
Mô phỏng
Chụp mô phỏng bằng CT, MRI hoặc PET/CT, PET/MRI.
Kỹ thuật
Có thể dùng các kỹ thuật thường quy 3D, hoặc các kỹ thuật xạ trị tiên tiến giúp tăng hiệu quả, độ chính xác và giảm thiểu tác dụng phụ như xạ trị điều biến liều (IMRT), xạ trị điều biến thể tích (VMAT), xạ trị hạt nặng (Proton therapy, heavy ion).
Xạ phẫu
Xạ phẫu có thể bằng dao gamma cổ điển, dao gamma quay, CyberKnife…
Nguyên lý: liều bức xạ hội tụ tại tiêu điểm khối u với liều rất cao gây hoại tử hoặc bất hoạt tế bào u, đồng thời liều xạ tại các mô lành ở mức tối thiểu, rất ít gây tác dụng phụ cho cơ quan lành xung quanh.
Xạ phẫu được chỉ định cho các trường hợp ung thư biểu mô đường niệu di căn một vài ổ (Oligometastasis) đặc biệt các trường hợp di căn não. Tuỳ theo vị trí, số lượng, kích thước ổ di căn liều xạ phẫu có thể từ 18-26Gy.
Xạ phẫu định vị thân (Stereotactic Body Radiation Therapy: SBRT, SABR)
Chỉ định u giai đoạn khu trú, chưa di căn hạch, có bệnh lý kèm theo nhiều tai biến khi phẫu thuật hoặc bệnh nhân nhất định từ chối phẫu thuật.
Liều xạ: 25-30Gy 1 fraction duy nhất hoặc 45-60Gy chia 3-4 fractions
Cấy hạt phóng xạ vào khối u trong các trường hợp bệnh nhân có bệnh lý kèm theo không thể phẫu thuật, bệnh nhân nhất định từ chối phẫu thuật hoặc các tổn thương di căn đơn độc. Hạt phóng xạ có thể dùng là 125I hoặc 90Y.
Xạ trị trong mổ (Intraoperative Radiation Therapy: IORT)
IORT là một kỹ thuật đặc biệt có thể cung cấp một liều xạ trị duy nhất, tập trung cao liều bức xạ tại nền khối u sau phẫu thuật hoặc phần còn lại của khối u không thể phẫu thuật được, các khối u tái phát, di căn.
IORT có nhiều loại kích thước của đầu phát tia bức xạ (applicator) khác nhau tùy thuộc vào diện cắt và hình dạng khối u, hơn nữa diện tích xạ trị hạn chế nên hầu như không ảnh hưởng các cấu trúc bình thường xung quanh vùng chiếu xạ.
Chỉ định: các trường hợp cắt u tiếp cận, hoặc các trường hợp di căn xa như cột sống, xương chậu.
THEO DÕI
Do nguy cơ tái phát tại chỗ và tại bàng quang cao, việc theo dõi lâu dài cho những bệnh nhân ung thư biểu mô đường niệu là bắt buộc.
Theo dõi định kỳ mỗi 3 tháng trong vòng 2 năm đầu: đánh giá chức năng gan, thận. Xét nghiệm tế bào nước tiểu, nội soi bàng quang, niệu quản ngược dòng. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp CT scan, cộng hưởng từ, chụp PET/CT
Theo dõi định kỳ hàng năm từ năm thứ ba.
TIÊN LƯỢNG
Giai đoạn khối u là yếu tố tiên lượng quan trọng nhất đối với ung thư biểu mô đường tiết niệu trên. Sống thêm tương quan chặt chẽ với giai đoạn khối u. Tỷ lệ sống sau 5 năm ở những bệnh nhân sau phẫu thuật bảo tồn khoảng 70-90%.
Độ mô học của khối u là một yếu tố tiên lượng bệnh. khối u có độ mô học cao tiến triển nhanh hơn khối u có độ mô học thấp. Giai đoạn và độ mô học tương quan tới 83% các trường hợp.
Tỷ lệ sống sau 5 năm sau phẫu thuật triệt để phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, như sau: Các giai đoạn Tis, Ta hoặc T1: 91%
Giai đoạn T2: 43%
Các giai đoạn T3, T4, N1 hoặc N2: 23%
Các giai đoạn N3 hoặc M: 0%
Tái phát trong ung thư biểu mô đường niệu sau khi điều trị bảo tồn thường gặp. Tỷ lệ tái phát tại chỗ khoảng 25-50%. Hầu hết các đợt tái phát mức độ thấp có thể được điều trị bằng cắt bỏ bảo tồn lặp lại. Tỷ lệ sống sau 5 năm ở những bệnh nhân mắc bệnh ở giai đoạn thấp có thể đạt tới 100%.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Bá Đức, Trần Văn Thuấn, Nguyễn Tuyết Mai (2010). Điều trị nội khoa bệnh ung thư. Nhà xuất bản Y học.
Nguyễn Chấn Hùng (2004). Ung bướu học nội khoa. Nhà xuất bản Y học.
Mai Trọng Khoa (2014). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu. Nhà xuất bản Y học.
Trần Văn Thuấn, Lê Văn Quảng, Nguyễn Tiến Quang (2019). Hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh ung thư thường gặp. Nhà xuất bản Y học.
Bùi Diệu và cs (2016). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh ung thư thường gặp. Nhà xuất bản Y học.
Nguyễn Văn Hiếu (2010). Điều trị phẫu thuật bệnh ung thư. Nhà xuất bản Y học.
Mai Trọng Khoa (2016). Kháng thể đơn dòng và phân tử nhỏ trong điều trị bệnh ung thư. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
Mai Trọng Khoa và cs (2016). Hóa chất trong điều trị một số bệnh ung thư. Tài liệu đào tạo thuộc chương trình Bệnh viện vệ tinh, chuyên ngành Ung bướu. Nhà xuất bản Y học.
Mai Trọng Khoa (2013). Ứng dụng kỹ thuật PET/CT trong ung thư. Nhà xuất bản Y học.
Mai Trọng khoa, Nguyễn Xuân Cử (2012). Một số tiến bộ về kỹ thuật xạ trị ung thư và ứng dụng trong lâm sàng. Nhà xuất bản Y học.
Mai Trọng Khoa và cộng sự. (2012). Y học hạt nhân (Sách dùng cho sau đại học). Nhà xuất bản Y học.
National Comprehensive Cancer Network. (2019). Upper GU tract tumor.
Siegel RL, Miller KD, Jemal A. Cancer statistics, 2016. CA Cancer J Clin. 2016 Jan-Feb. 66 (1):7-30.
Necchi A, Sonpavde G, Lo Vullo S, Giardiello D, Bamias A, et al. (2017). Nomogram-based Prediction of Overall Survival in Patients with Metastatic Urothelial Carcinoma Receiving First-line Platinum-based Chemotherapy: Retrospective International Study of Invasive/Advanced Cancer of the Urothelium (RISC). Eur Urol. 2017 Feb. 71 (2):281-289.
Sonpavde G, Pond GR, Rosenberg JE, Bajorin DF, Choueiri TK, Necchi A, et al. (2016). Improved 5-Factor Prognostic Classification of Patients Receiving Salvage Systemic Therapy for Advanced Urothelial Carcinoma. J Urol. 2016 Feb. 195 (2):277-82.
Demery ME, Thezenas S, Pouessel D, Culine S (2012). Systemic chemotherapy in patients with advanced transitional cell carcinoma of the urothelium and impaired renal function. Anticancer Drugs. 23(2):143-8.
Tully CM, Apolo AB, Zabor EC, Regazzi AM, Ostrovnaya I, Furberg HF, et al (2016). The high incidence of vascular thromboembolic events in patients with metastatic or unresectable urothelial cancer treated with platinum chemotherapy agents. Cancer. 122 (5):712-21.
Giannatempo P, Pond GR, Sonpavde G, Raggi D, Naik G, Galsky MD, et al (2016). The Impact of Adding Taxanes to Gemcitabine and Platinum Chemotherapy for the First-Line Therapy of Advanced or Metastatic Urothelial Cancer: A Systematic Review and Meta-analysis. Eur Urol. 69 (4): 624-33.
Balar AV, Galsky MD, Rosenberg JE, Powles T, Petrylak DP, et al (2016). Atezolizumab as first-line treatment in cisplatin-ineligible patients with locally advanced and metastatic urothelial carcinoma: a single-arm, multicentre, phase 2 trial. Lancet. 389(10064):67-76.
Zibelman M, Ramamurthy C, Plimack ER. (2016). Emerging role of immunotherapy in urothelial carcinoma-Advanced disease. Urol Oncol. 34 (12):538-547.
Rosenberg JE, Hoffman-Censits J, Powles T, et al (2016). Atezolizumab in patients with locally advanced and metastatic urothelial carcinoma who have progressed following treatment with platinum-based chemotherapy: a single-arm, multicentre, phase 2 trial. Lancet. 387 (10031):1909-20.
Sharma P, Retz M, Siefker-Radtke A, et al.(2017). Nivolumab in metastatic urothelial carcinoma after platinum therapy (CheckMate 275): a multicentre, single-arm, phase 2 trial. Lancet Oncol. 18(3):312-322.
Adam S.Feldman, Jason A. Efstathiou, Richard J. Lee, et al (2015). Cancer of the Bladder, Ureter, and Renal Pelvis. Cancer Principles Practice of Oncology DeVita. Hellman, and Rosenberg’s 10 ed. P. 896-916.
Edouard J. Trabulsi and Leonard G. Gomella. (2015). Cancer of the Urethra and Penis. Cancer Principles Practice of Oncology DeVita. Hellman, and Rosenberg’s 10 ed. P981-988.
-
Tài liệu mới nhất
-
Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Y tế
20:56,31/01/2023
-
Chụp CL trở kháng điện để chuẩn độ AL dương cuối thì thở ra trong HC nguy kịch hô hấp cấp tính
15:41,31/01/2023
-
Các kịch bản lâm sàng của ứng dụng chụp cắt lớp trở kháng điện trong chăm sóc tích cực ở trẻ em
22:41,30/01/2023
-
Thông khí hướng dẫn bằng áp lực đẩy so với thông khí bảo vệ phổi ở bệnh nhân ARDS
22:08,12/01/2023
-
Áp lực đẩy và áp lực xuyên phổi: Làm thế nào để chúng tôi hướng dẫn thông khí cơ học an toàn?
22:49,10/01/2023
-
Chuẩn năng lực cơ bản của Cử nhân Dinh dưỡng Việt Nam
20:54,09/01/2023
-
Giảm viêm phổi liên quan đến thở máy ở khoa chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh
21:50,08/01/2023
-
Các chiến lược ngăn ngừa viêm phổi liên quan đến thở máy,...
10:33,07/01/2023
-
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh do vi rút Adeno ở trẻ em
21:16,06/01/2023
-
Chuẩn năng lực cơ bản của Cử nhân Điều dưỡng Việt Nam
20:31,05/01/2023
-
Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Y tế