Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh trẻ em: Bệnh ghẻ (Scabies)
- Tác giả: TS.Phạm Thị Mai Hương
- Chuyên ngành: Nhi khoa
- Nhà xuất bản:bệnh viện nhi trung ương
- Năm xuất bản:2020
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh trẻ em: Bệnh ghẻ (Scabies)
TS.Phạm Thị Mai Hương
ĐẠI CƯƠNG
Bệnh ghẻ thuộc nhóm bệnh ngoài da do ký sinh trùng, lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua quần áo, chăn chiếu...có ghẻ và trứng ghẻ.
NGUYÊN NHÂN
Do ký sinh trùng ghẻ Sarcoptes scabiei.
Bệnh do ghẻ cái gây nên là chủ yếu, ghẻ đực thường chết sau khi giao hợp, ghẻ cái ký sinh ở lớp sừng của thượng bì, đào hang về ban đêm, đẻ trứng về ban ngày, trứng nở thành ấu trùng và lột xác trở thành ghẻ trưởng thành. Ghẻ cái bò ra khỏi hang tìm ghẻ đực vào ban đêm gây ngứa. Các thuốc điều trị hiện nay chủ yếu tác động vào giai đoạn ấu trùng, bởi vậy thuốc thường được điều trị lặp lại sau khoảng một tuần để tác động vào ấu trùng ghẻ được nở ra từ trứng cũ.
Cách lây: do nằm chung giường, mặc chung quần áo, lây qua tiếp xúc da - da (trẻ em được bế ẵm).
Ghẻ và trứng ghẻ
CHẨN ĐOÁN
Lâm sàng
Thời gian ủ bệnh thường 10- 15 ngày.
Triệu chứng lâm sàng
Tổn thương cơ bản: luống ghẻ và mụn nước.
Luống ghẻ là do cái ghẻ đào ở lớp sừng dài 2-3 cm, gờ cao hơn mặt da, màu trắng đục hay trắng xám ở đầu luống ghẻ có mụn nước 1- 2 mm.
Vị trí: lòng bàn tay, kẽ ngón tay, cổ tay, nách, bụng và sinh dục. Ở trẻ em còn gặp ở chân, đầu và mặt. Phụ nữ có thể gặp ở đầu vú, nếp vú. Nam giới hầu hết có thương tổn ghẻ vùng sinh dục.
Tổn thương thứ phát: thường do ngứa gãi gây nên.
Vết xước, sẩn, trợt, vảy tiết, mụn nước, mụn mủ, chốc hóa, sẹo thâm màu, bạc màu…Nhiều loại thương tổn tạo hình ảnh “hoa gấm”.
Thương tổn dai dẳng gây biến chứng nhiễm khuẩn, viêm da, chàm hóa.
Triệu chứng cơ năng
Ngứa gặp ở hầu hết các bệnh nhân, ngứa nhiều nhất về đêm, lúc đi ngủ, ngứa vùng da non nhiều. Ở trẻ em ngứa nhiều gây khó ngủ, quấy đêm.
Dịch tễ: gia đình, tập thể nhiều người mắc bệnh tương tự và có tính chất lây lan.
Thương tổn ghẻ bàn tay
Cận lâm sàng
Soi thấy trứng, cái ghẻ và phân của ghẻ: trên kính hiển vi thông thường hoặc soi da Dermoscopy.
Chẩn đoán xác định
Dựa vào:
Tổn thương cơ bản, vị trí đặc biệt.
Ngứa nhiều về đêm.
Dịch tễ.
Soi thấy trứng hoặc cái ghẻ.
Thể lâm sàng
Ghẻ vảy: thường xảy ra trên bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh lý nặng kèm theo. Tổn thương là mảng da đỏ, ranh giới không rõ, trên bề mặt có nhiều vảy da và vảy tiết màu xám/trắng dày đặc, có thể có sùi. Đôi khi biểu hiện đỏ da toàn thân.
Ghẻ giản đơn: chỉ có luống ghẻ và mụn nước.
Ghẻ bội nhiễm: thương tổn ghẻ kèm theo nhiều mụn mủ, thường bội nhiễm liên cầu, tụ cầu, có thể gặp biến chứng viêm cầu thận cấp.
Ghẻ chàm hóa: viêm da, dày da, bong vảy ngứa chà xát cào gãi lâu ngày.
Ghẻ sẩn cục: cục sẫm màu thường có vùng nách, sinh dục.
Chẩn đoán phân biệt
Tổ đỉa: mụn nước chìm sâu trong da, tập trung thành cụm, không có luống ghẻ, chỉ có ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu ngón, mặt dưới ngón chân.
Sẩn ngứa trẻ em: sẩn huyết thanh rải rác khắp cơ thể, ngứa.
Viêm da cơ địa: mụn nước tập trung thành đám, ngứa. Tổn thương dai dẳng.
Nấm da: mụn nước tập trung vùng rìa thương tổn, bờ giới hạn rõ, soi tươi tìm nấm.
ĐIỀU TRỊ
Nguyên tắc
Phát hiện, điều trị sớm, điều trị cùng lúc tất cả những người bị ghẻ trong gia đình, tập thể.
Bôi thuốc vào buổi tối, đúng cách
Cách ly người bệnh, là luộc quần áo, vệ sinh chăn chiếu, đồ dùng…
Điều trị
Tại chỗ:
Kem permethrin 5%: là điều trị ưu tiên, xoa từ cổ trở xuống, tắm rửa thay quần áo sau 12 giờ, lặp lại điều trị sau 7-14 ngày.
Kem crotamiton 10%: bôi lên toàn bộ cơ thể từ cổ trở xuống, bôi liên tiếp 2 đêm. Tắm rửa sạch sẽ sau bôi
Dung dịch DEP (diethyl-phtalat): bôi tổn thương mụn nước buổi tối trước ngủ.
Thuốc bôi khác: benzyl benzoat 10-25%, ivermectin 1%, sulfur 6-33%, malathion 0,5%.
Ghẻ bội nhiễm, chàm hóa: điều trị bội nhiễm trước (kháng sinh bôi, kháng sinh uống), chàm hóa (corticoid tại chỗ…) sau đó mới bôi thuốc ghẻ.
Chống ngứa sử dụng kháng histamine: phenergan, cetirizin, loratadin. - Gần đây, Ivermectin uống được xem xét chỉ định cho trẻ lớn trên 5 tuổi, 200µg/kg cân nặng và lặp lại liều này sau 7 ngày, khi kháng trị với các thuốc thông thường.
TIẾN TRIỂN
Ghẻ không được điều trị sớm thương tổn sẽ chàm hóa, bội nhiễm, lây lan ra cộng đồng.
PHÒNG BỆNH
Vệ sinh cá nhân, tắm gội hàng ngày
Điều trị sớm, tránh tiếp xúc và dùng chung chăn chiếu...với người bị ghẻ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Đinh Hữu Nghị (2017), “Ghẻ”, Bệnh học da liễu II, tr 146-158
Julie S (2011), “Scabeis”, Harper‘s Textbook of Pediatric Dermatology, 72 3. Kay SK, Peter AL et al (2009), “Scabies”, Color atlas and synopsis of pediatric dermatology, pp 476-478.
Phạm Văn Hiển (2009), “Ghẻ”, Da liễu học, nhà xuất bản giáo dục Việt nam, 102-105.
Susan BM (2005), “Scabies”, Illustrated Manual of Pediatric Dermatology, pp 163 – 165
Nguyễn Văn Thường (2019), “Bệnh ghẻ”, Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị trong chuyên nghành da liễu, tập 1, tr 395-400.
-
Tài liệu mới nhất
-
Hỗ trợ hô hấp không xâm lấn ở bệnh nhân giảm oxy máu chu phẫu / thủ thuật
22:40,23/05/2022
-
Hướng dẫn Phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc COVID-19
20:09,20/05/2022
-
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá gan nhỏ
19:38,20/05/2022
-
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá gan lớn
23:13,17/05/2022
-
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán dây
23:00,17/05/2022
-
Lung recruitment
21:50,15/05/2022
-
Oxygen targets
21:44,15/05/2022
-
Làm thế nào để cải thiện đồng bộ bệnh nhân - máy thở
20:51,15/05/2022
-
Xác định PEEP tốt nhất ở bệnh nhân thở máy
22:08,08/05/2022
-
Thuyên tắc ối: Bệnh sinh- Chẩn đoán- Hồi sức
16:00,05/05/2022
-
Hỗ trợ hô hấp không xâm lấn ở bệnh nhân giảm oxy máu chu phẫu / thủ thuật