CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH TRƯỚC MỔ
- Tác giả: Bộ Y tế
- Chuyên ngành: Điều dưỡng
- Nhà xuất bản:Bộ Y tế
- Năm xuất bản:2008
- Trạng thái:Chờ xét duyệt
- Quyền truy cập: Cộng đồng
CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH TRƯỚC MỔ
ĐẠI CƯƠNG
Giải phẫu là kế hoạch có dự kiến và có sự chuẩn bị, cả mổ cấp cứu hay mổ chương trình đều mang tầm quan trọng như nhau. Chuẩn bị cuộc mổ luôn thực hiện một cách an toàn và hiệu quả để tránh tai biến cho người bệnh trong mổ, ngăn ngừa biến chứng sau mổ và giúp người bệnh hồi phục tốt. Vai trò của người điều dưỡng rất quan trọng trong việc sửa soạn người bệnh trước mổ. Điều dưỡng cần có những thông tin cơ bản về người bệnh, muốn thế điều dưỡng phải thu thập dữ kiện từ người bệnh về bệnh tật và các rối loạn kèm theo. Điều dưỡng phải hiểu được phản ứng của người bệnh trước mổ, phải biết đánh giá những kết quả xét nghiệm tiền phẫu và phải biết lượng giá những thay đổi của cơ thể, nguy cơ, biến chứng liên quan đến phẫu thuật.
PHỎNG VẤN NGƯỜI BỆNH TRƯỚC MỔ
Phỏng vấn người bệnh trước mổ giúp điều dưỡng thu thập dữ kiện về bệnh sử, tiền sử, triệu chứng, tình trạng người bệnh, những khó khăn của người bệnh và qua đó giúp người bệnh chọn ngày, giờ phẫu thuật phù hợp. Qua phỏng vấn, điều dưỡng sẽ thông báo cho người bệnh về phương pháp phẫu thuật và gây mê vì thường người bệnh rất lo âu về phương pháp gây mê, về loại phẫu thuật cần thiết, việc cung cấp thông tin này giúp người bệnh an tâm. Điều dưỡng giúp người bệnh thực hiện cam kết đồng ý mổ của người bệnh, đây là vấn đề pháp lý, người bệnh phải hiểu rõ trước khi ký cam kết. Trong quá trình trao đổi sẽ giúp điều dưỡng đánh giá tình trạng tâm lý của người bệnh, điều dưỡng cần tiếp xúc với người bệnh và người nhà người bệnh để hiểu rõ tâm tư, lo lắng của người bệnh và có kế hoạch can thiệp kịp thời.
LƯỢNG GIÁ TIỀN PHẪU
Xác định tình trạng sức khoẻ, thu thập dữ kiện về người bệnh.
Xác định và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ trước khi phẫu thuật.
Cân nhắc xem người bệnh tiến hành phẫu thuật theo chế độ nào (nội trú, ngoại trú, trong ngày).
Lập kế hoạch và thực hiện việc chuẩn bị trước mổ.
Qua hội chẩn: chọn loại thuốc gây mê và phương pháp phẫu thuật tốt nhất cho người bệnh.
LƯỢNG GIÁ CÁC DỮ KIỆN CHỦ QUAN
Tâm lý
Tâm lý người bệnh có thể là lo sợ đau và không thoải mái, sợ do không hiểu biết, sợ biến dạng cơ thể, sợ xa cách người thân, sợ chết, sợ gây mê, sợ thay đổi lối sống sau mổ,… Điều dưỡng cần biết nhận thức của người bệnh để nâng đỡ và cung cấp những thông tin trong suốt thời gian trước mổ. Điều dưỡng là người nâng đỡ tinh thần và giúp người bệnh giảm đau buồn, giảm sợ hãi để duy trì và hồi phục niềm tin cho người bệnh.
Tiền sử sức khoẻ
Đầu tiên, điều dưỡng cần khai thác sự hiểu biết cần thiết của người bệnh, về phẫu thuật trước mổ và những than phiền của người bệnh. Với phụ nữ, phải tìm hiểu tiền sử như kinh nguyệt, sinh đẻ, ngày có kinh sau cùng với mục đích tránh ảnh hưởng của thuốc gây mê, sang chấn tinh thần, tác dụng thuốc trên người bệnh mang thai. Đối với trẻ vị thành niên, điều dưỡng cần cẩn thận dùng những từ ngữ phù hợp để khai thác các vấn đề về kinh nguyệt, sinh sản, tình dục. Những thông tin về gia đình như bệnh di truyền, liên quan đến gây mê, bệnh tim mạch, nội tiết, thai kỳ, hoàn cảnh người bệnh, kinh tế, bệnh tật của người bệnh và gia đình.
Đánh giá sức khoẻ toàn thân
Tổng trạng, cân nặng, chỉ số BMI, tình trạng da niêm, dấu chứng sinh tồn, phát hiện những dấu hiệu bất thường của người bệnh.
Hệ tim mạch
Nhiệm vụ: Hệ tim mạch có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu oxy, dịch thể, thuốc, dinh dưỡng cho cơ thể. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng vì hệ thống này còn mang thuốc, kháng sinh, thuốc mê trong quá trình phẫu thuật. Và nó cũng có nhiệm vụ mang các chất cần loại bỏ ra khỏi cơ thể.
Hỏi: Việc khai thác dấu hiệu bệnh tật rất quan trọng vì nó giúp thầy thuốc có thể điều trị, điều chỉnh hay tìm ra phương pháp nào đó tránh biến chứng cho người bệnh trong và sau mổ. Vì thế điều dưỡng cần khai thác bệnh sử về tim mạch như cao huyết áp, đau thắt ngực, suy tim, bệnh tim bẩm sinh, mổ tim. Cũng cần có những thông tin về bác sĩ đang điều trị, thuốc tim mạch đang sử dụng.
Khám: Đánh giá mạch, huyết áp, da niêm, tình trạng chảy máu, đo điện tim giúp phát hiện bất thường trên điện tim, nghe tim.
Can thiệp điều dưỡng: Nếu người bệnh có nhồi máu cơ tim cần khuyên người bệnh hoãn phẫu thuật khoảng 6 tháng sau để tránh nguy cơ tái phát. Nếu người bệnh có bệnh tim bẩm sinh, bệnh van tim, thấp tim cần thực hiện kháng sinh dự phòng trước mổ. Người bệnh loạn nhịp tim cần theo dõi điện tim trước mổ. Nếu người bệnh dùng Digitalis cần theo dõi định lượng Kali trong huyết thanh để tránh ảnh hưởng tác dụng phụ và độc hại của thuốc mê. Thực hiện truyền dịch đối với người bệnh mất nước trước mổ, cẩn thận với người bệnh già vì ranh giới giữa thừa và thiếu nước rất hẹp.
Hệ hô hấp
Nhiệm vụ: Hô hấp có nhiệm vụ quan trọng trong phẫu thuật vì nó vừa là ngõ gây mê vừa là ngõ thải thuốc mê, trao đổi khí. Tế bào thiếu oxy sẽ chết và oxy có vai trò quan trọng nhất đối với mô não. Có nhiều phương pháp gây mê phải qua đường hô hấp, vì thế nếu hô hấp có vấn đề thì rất nguy hiểm cho người bệnh.
Hỏi: Người bệnh có tiền sử khó thở, ho, suyễn, ho ra máu, lao, nhiễm trùng đường hô hấp kinh niên trước đó không? Vì đây là những triệu chứng của bệnh đường hô hấp trước đó. Suyễn là vấn đề ở người bệnh phẫu thuật. Suyễn có thể xuất hiện khi lo sợ, mùi… cũng có thể gây cơn khó thở cho người bệnh.
Ngoài ra, nếu không khai thác kỹ tiền sử suyễn của người bệnh thì khi gây mê cũng gây nguy cơ cao cho người bệnh do việc tương tác thuốc trong gây mê. Sự tổn thương trên phổi có thể làm giảm khả năng trao đổi khí và chính đó là nguyên nhân gây suy hô hấp cho người bệnh trong và sau mổ, cũng là nguy cơ gây nhiễm trùng hô hấp sau mổ và như thế làm tình trạng người bệnh nặng nề thêm. Người hút thuốc lá có nguy cơ ứ đọng dịch ở phổi dễ gây tắc nghẽn hô hấp và viêm phổi sau mổ.
Khám: tuỳ vào từng loại phẫu thuật nhưng cơ bản điều dưỡng cần đo tần số nhịp thở, kiểu thở, nghe phổi, PaO2.
Can thiệp: nếu người bệnh có nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp trên điều dưỡng cần thực hiện kháng sinh theo y lệnh giúp điều trị dứt điểm nhiễm trùng. Nếu người bệnh hút thuốc cần ngưng hút thuốc trước mổ một tuần. Phải ghi nhận người bệnh có bất thường về đường hô hấp, ghi nhận chức năng hô hấp như khí máu động mạch, nghe phổi đánh giá lại tình trạng hô hấp. Hướng dẫn người bệnh cách hít thở sâu, hướng dẫn cách thở hiệu quả, cách xoay trở, ngồi dậy giúp giãn nở phổi tối đa sau mổ. Hướng dẫn người bệnh cách ho, khạc đàm.
Gan
Nhiệm vụ: Gan liên quan đến đường trong máu, biến dưỡng mỡ, tổng hợp protein, thuốc, biến dưỡng hormone, tạo bilirubin và bài tiết giải độc cho nhiều loại thuốc mê, thuốc điều trị...
Hỏi: tiền sử về viêm gan trước đó, đã tiêm ngừa viêm gan chưa, số lần tiêm, thời gian tiêm. Tình trạng dị ứng da, ngứa và có vàng da lần nào không. Có bệnh lý về đường mật như sỏi mật, đau hạ sườn phải không. Có tiền sử mổ về mật, mổ gan. Tiền sử uống rượu, số lượng, thời gian không.
Khám: bờ gan to không, tình trạng vàng da, bụng báng, dấu tuần hoàn bàng hệ, màu phân, các dấu đau trên bụng và nên đánh giá xét nghiệm chức năng gan, bilirubin.
Can thiệp: đánh giá tình trạng rối loạn đông máu, đồng thời thực hiện điều chỉnh tình trạng chảy máu qua thuốc theo y lệnh. Chăm sóc vàng da, thuốc giảm ngứa, uống nhiều nước. Nghỉ ngơi và dinh dưỡng hợp lý giúp nâng đỡ chức năng gan. Thực hiện thuốc nâng đỡ chức năng gan, tránh những thuốc thải qua gan. Thông báo cho nhóm phẫu thuật về tình trạng người bệnh.
Thận
Nhiệm vụ: suy giảm chức năng thận liên quan đến số lượng dịch thay thế, mất cân bằng về dịch thể và điện giải, chức năng đông máu, gia tăng nguy cơ nhiễm trùng, vết thương lâu lành, thay đổi đáp ứng của điều trị và không tiên đoán được sự bài tiết của thuốc.
Hỏi: Người bệnh có phù không, phù vào lúc nào và phù ở đâu. Tiểu gắt buốt, tiểu đục, số lượng nước tiểu. Có tiền sử sỏi niệu, mổ thận, ghép thận không.
Khám: Cân nặng, huyết áp, nước tiểu, da niêm, dấu bập bềnh thận, khám thấy dấu hiệu phù.
Can thiệp: Theo dõi mất nước, thực hiện bù đủ nước và thực hiện cân bằng điện giải người bệnh trước mổ, cân nặng, theo dõi phù. Phòng ngừa thiếu nước và rối loạn điện giải, theo dõi số lượng nước tiểu. Đánh giá chức năng thận, Ion đồ. Nhận định sớm trên lâm sàng dấu hiệu thiếu điện giải.
Thần kinh trung ương
Đánh giá: tri giác, nhận thức, thực hiện các y lệnh của người bệnh. Khai thác tai nạn về não, tuỷ sống trước đó… Vì khi có chấn thương hay đã mổ cột sống cổ thì có thể ảnh hưởng trong tư thế đặt nội khí quản. Đánh giá về nhận thức rất có ích trong theo dõi sau mổ, giúp điều dưỡng nhận định về tri giác và nhận thức người bệnh chính xác hơn.
Cơ xương khớp
Hỏi: Tiền sử viêm xương khớp, nhất là người già vì nó sẽ làm hạn chế cử động, tư thế người bệnh trong và sau mổ. Điều dưỡng hướng dẫn người bệnh cách tập vận động trước mổ. Sau mổ tránh người bệnh đau do vận động, di chuyển.
Dinh dưỡng
Béo phì gây khó khăn trong tư thế mổ và di chuyển người bệnh sau mổ, dễ nhiễm trùng vết thương, vết thương lâu lành, thuốc mê thấm chậm và tồn tại trong mỡ, do đó giải phóng thuốc sau mổ chậm nên người bệnh mê lâu hơn và tỉnh chậm hơn. Nếu không mổ cấp cứu, điều dưỡng cần hướng dẫn chế độ ăn và tập luyện giảm cân cho người bệnh trước mổ.
Suy dinh dưỡng: giảm protein, vitamin A, B… người bệnh hồi phục chậm, vết thương lâu lành. Người già (do thiếu răng, do ăn uống kém), người nghèo ăn ít chất dinh dưỡng, người bệnh ăn uống kém, người bệnh mạn tính, ung thư thì thường có nguy cơ suy dinh dưỡng và thiếu hụt dịch thể do thói quen kiêng ăn hay không ăn được. Nâng cao thể trạng người bệnh trước mổ là điều cần thiết. Điều dưỡng hướng dẫn người bệnh thức ăn nhiều dinh dưỡng, chế độ ăn phù hợp bệnh lý. Nếu người bệnh suy kiệt nhiều hoặc do bệnh lý không ăn được điều dưỡng thực hiện nuôi ăn bằng dịch truyền an toàn và đủ năng lượng.
Nghiện ma tuý hay rượu
Người nghiện ma tuý hay rượu thường có nguy cơ suy dinh dưỡng cao và đặc biệt với người nghiện rượu thì chức năng gan cũng suy giảm. Vì thế, với những người bệnh này điều dưỡng cần khai thác tiền sử một cách cẩn thận qua người thân và chính bản thân người bệnh. Thường người bệnh không khai thật nên điều dưỡng cần khéo léo để có những dữ kiện chính xác về người bệnh Người bệnh nghiện rượu hay ma tuý có rất nhiều biến chứng sau mổ do tình trạng suy dinh dưỡng, do chức năng gan giảm, do chức năng thần kinh cũng có vấn đề. Điều dưỡng cần có kế hoạch chăm sóc trong trường hợp người bệnh lên cơn nghiện sau phẫu thuật hay cuồng sản do rượu.
Nội tiết
Tiểu đường là một yếu tố nguy cơ cho cả gây mê và giải phẫu. Người bệnh tiểu đường có nguy cơ cao trong hạ đường huyết, biến chứng tim mạch, nguy cơ nhiễm trùng cao, vết thương lâu lành. Điều dưỡng cần xác định, theo dõi đường trong máu và giúp bác sĩ điều chỉnh lượng đường trong máu. Điều dưỡng cần thực hiện chế độ tiết chế cho người bệnh.
Nhiễm trùng
Nếu nhiễm trùng cấp tính, cuộc mổ thường phải huỷ nếu là mổ chương trình. Nhiễm trùng mạn tính như lao, AIDS thì tuỳ trường hợp có thể mổ. Kiểm soát nhiễm trùng trước mổ là điều cần thiết cho người bệnh, vì thế điều dưỡng cần hỏi người bệnh và thực hiện khám chuyên khoa tai mũi họng, răng, tiết niệu, sinh dục người bệnh trước mổ. Theo dõi nhiệt độ. Thực hiện y lệnh trong điều trị dứt điểm nhiễm trùng trước mổ, thực hiện thuốc kháng sinh phòng ngừa theo y lệnh điều trị.
Miễn dịch
Điều dưỡng cần tìm hiểu tiền sử dị ứng của người bệnh như dị ứng thuốc, điều dưỡng cần khai thác loại thuốc và ghi chú hồ sơ giúp thầy thuốc và gây mê tránh sử dụng những loại thuốc này. Dị ứng thức ăn cũng quan trọng vì sau mổ vấn đề dinh dưỡng rất cần thiết nên cần hỏi rõ thông tin để tránh tai biến dị ứng có thể làm tình trạng sau mổ nặng nề hơn. Trong những người bệnh ghép tạng thường khả năng miễn dịch kém nên điều dưỡng cần có kế hoạch chăm sóc hoàn toàn vô khuẩn tránh nguy cơ nhiễm trùng cho người bệnh.
Thuốc
Điều dưỡng hỏi người bệnh về thuốc họ đang sử dụng vì có nguy cơ tương tác với thuốc mê, có thể ảnh hưởng đến thuốc tim mạch, huyết áp, miễn dịch chống đông máu,… biết được sự tương tác và phản ứng phụ của thuốc, dị ứng với các loại thức ăn, hoá học, nghiện thuốc, lạm dụng thuốc, nghiện rượu.
Thuốc steroid: trong những trường hợp người bệnh mắc bệnh mạn tính cần điều trị lâu dài loại thuốc này, điều dưỡng cần khai thác kỹ cách sử dụng và không nên dừng đột ngột, cần báo qua nhóm gây mê
để có hướng điều chỉnh thuốc kịp thời.
Thuốc lợi tiểu: thường kèm theo giảm Kali máu cũng ảnh hưởng đến tim mạch hay thuốc Thiazide cũng có thể gây suy hô hấp trong quá trình gây mê. Ngoài ra, thuốc lợi tiểu cũng gây tình trạng mất nước và điện giải.
Thuốc chống trầm cảm: tác dụng phụ của thuốc này cũng gây nguy cơ tụt huyết áp.
Aspirin: trong những bệnh lý tim mạch người bệnh thường sử dụng lâu dài aspirin. Điều dưỡng cần thông báo cho gây mê để có kế hoạch gây mê cụ thể tránh tình trạng chảy máu sau mổ do trong một số phẫu thuật có thể kết hợp cùng heparin trong mổ.
DỮ KIỆN KHÁCH QUAN
Mỗi người bệnh cần có hồ sơ bệnh án đầy đủ trước mổ.
Khám xét thể chất và phải hoàn tất dữ kiện về người bệnh trước mổ do phẫu thuật viên, điều dưỡng, gây mê thực hiện. Xét nghiệm cận lâm sàng cơ bản trước mổ như:
Máu: công thức máu, máu đông, máu chảy, nhóm máu, dung tích hồng cầu, tốc độ lắng máu, chức năng đông máu toàn bộ, BUN, đường huyết, protid.
Nước tiểu: tổng phân tích nước tiểu.
Chẩn đoán hình ảnh: X quang phổi, siêu âm, điện tim, CT scan.
Ngoài ra, tuỳ loại phẫu thuật người thầy thuốc có y lệnh các xét nghiệm khác về gan, tuỷ đồ, thận.
QUẢN LÝ ĐIỀU DƯỠNG
Giáo dục người bệnh trước phẫu thuật
Với người bệnh nội trú, điều dưỡng giáo dục và dặn dò buổi chiều trước mổ sau khi hội chẩn xong và khi chuẩn bị vệ sinh cho người bệnh trước mổ.
Với người bệnh ngoại trú, điều dưỡng giáo dục và dặn dò trong ngày khám bệnh và sáng ngày trước mổ. Hướng dẫn người bệnh cần đến đúng giờ và thường đến trước giờ mổ 1–2 giờ. Nếu mổ trong ngày, điều dưỡng liên hệ với người bệnh để báo trước giờ mổ.
Nội dung giáo dục chính là cung cấp thông tin cho người bệnh và thân nhân người bệnh, giúp họ bớt căng thẳng, lo âu trong thời gian chờ đợi cuộc mổ bao gồm: phỏng đoán thời gian của cuộc phẫu thuật, thời gian hồi phục sau mổ, nơi chuyển người bệnh đến sau mổ, thông tin về nhóm chăm sóc sau mổ và những chăm sóc thường quy. Bên cạnh đó, điều dưỡng cũng hướng dẫn người bệnh cách thở sâu, ho, thư giãn, vận động trước mổ để sau mổ họ hiểu biết và tự chăm sóc tốt hơn, cách sử dụng thuốc bơm giảm đau, giúp người bệnh biết được những thông tin đặc biệt khi mổ. Thông tin cho người bệnh biết cần tắm, thụt tháo, ngưng ăn uống trước mổ. Điều dưỡng lắng nghe và quan sát người bệnh thực hiện đúng chưa.
Giá trị của việc giáo dục là giúp người bệnh giảm sự lo lắng, giảm sợ, giảm nôn ói, giảm đau, giảm biến chứng, giảm thời gian nằm viện. Ngoài ra, người bệnh còn hiểu rõ hơn mình sẽ làm thế nào giúp cho sau cuộc mổ tốt hơn, người bệnh an tâm hơn.
Thực hiện cam kết trước mổ
Ký giấy cam kết trước mổ là người bệnh tự nguyện và ưng thuận mổ. Hồ sơ này bảo vệ cho bác sĩ, điều dưỡng, bệnh viện, chia sẻ quyết định giữa người mổ và người được mổ. Nhưng trước khi ký giấy cam kết người bệnh cần biết chẩn đoán xác định, mục đích điều trị, mức độ thành công của cuộc mổ, nguy cơ bị thay đổi trong điều trị. Vì thế, người bệnh cần phải chứng tỏ đủ hiểu biết toàn diện về những thông tin được cung cấp. Người bệnh không bị thuyết phục hay bị bắt ép. Người bệnh có thể ký cam kết cho bản thân nếu tuổi và tình trạng tinh thần cho phép. Nếu như người bệnh còn nhỏ, hôn mê, rối loạn tâm thần thì người thân có thể ký cam kết thay thế. Nếu người bệnh là người nhỏ tuổi, tự do, trên 16 tuổi có thể tự ký giấy. Trong trường hợp cấp cứu có thể phải mổ để cứu sống mà không có mặt của gia đình thì người ký tên phải là người có trách nhiệm về phía bệnh viện.
CÔNG VIỆC CỤ THỂ MÀ ĐIỀU DƯỠNG CẦN CHUẨN BỊ NGƯỜI BỆNH TRƯỚC MỔ
Ngày trước mổ
Cởi bỏ tư trang người bệnh: điều dưỡng nên gửi tư trang của người bệnh cho thân nhân và bàn giao cẩn thận vì những vật này vừa gây trở ngại đè cấn trong tư thế phẫu thuật, vừa gây nhiễm khuẩn vùng mổ. Tốt nhất nên hướng dẫn người bệnh cởi bỏ tư trang để lại nhà trước khi nhập viện.
Tháo răng giả là yêu cầu tuyệt đối vì răng giả gây trở ngại trong việc đặt nội khí quản, gãy hay sứt răng giả, dị vật đường thở nếu răng rớt vào khí quản.
Tóc dài thắt bím lại hay buộc tóc gọn gàng. Tóc giả cần được lấy ra vì nó là nguyên nhân gây nhiễm trùng cho vùng mổ.
Móng tay sơn: chùi sạch móng tay, móng chân có sơn màu giúp quan sát, theo dõi màu sắc da niêm, móng chính xác.
Vệ sinh: nên cho người bệnh vệ sinh sạch sẽ chiều hôm trước mổ, vệ sinh vùng mổ và tắm rửa sạch vùng mổ tốt nhất với xà bông sát khuẩn, nhất là vùng mổ. Hiện nay, trong các tài liệu nước ngoài việc cạo lông hạn chế thực hiện, thay vào đó là việc làm vệ sinh với dung dịch savon sát khuẩn. Nếu trong trường hợp cần cạo lông thì nên sử dụng dụng cụ cạo râu.
Ăn uống: chiều trước mổ ăn nhẹ loãng, tối trước mổ nhịn ăn hoàn toàn, thường nhịn ăn tối thiểu 8 giờ trước mổ, ngưng uống tối thiểu trước 4 giờ. Sáng hôm sau thực hiện truyền dịch cho người bệnh trước mổ. Trong trường hợp người bệnh gây tê thì không cần nhịn ăn uống tối trước mổ, chỉ nhịn ăn vào sáng trước mổ.
Thụt tháo: cần làm sạch ruột tối hôm trước và sáng hôm mổ như uống thuốc xổ, bơm hậu môn bằng dung dịch tẩy xổ. Với mổ đại tràng, nguyên tắc là đảm bảo sạch phân đại tràng nên cần thực hiện thụt tháo cho người bệnh.
Tâm lý trước mổ: để tránh người bệnh lo âu, căng thẳng, điều dưỡng cho người bệnh gặp gỡ người nhà, khuyên người bệnh ngủ sớm, có thể thực hiện thuốc an thần cho người bệnh đêm trước mổ.
Sáng hôm mổ
Thụt tháo lại sáng trước mổ, cũng tuỳ vào từng loại phẫu thuật nhưng thường mổ đại tràng việc này là rất cần thiết.
Chuẩn bị người bệnh: người bệnh thay đồ mổ sau khi tắm sạch vào buổi sáng.
Tổng trạng: luôn thực hiện lấy dấu chứng sinh tồn vào sáng hôm mổ và trước khi chuyển người bệnh lên bàn mổ. Chú ý kiểm tra mạch với những người bệnh mổ bướu giáp, huyết áp với người bệnh mổ tim, hô hấp với người bệnh có suyễn hay mổ về hô hấp.
Thông tin bàn giao người bệnh: đeo bảng tên, nên ghi rõ ràng cả họ tên, tuổi, khoa, chẩn đoán, phương pháp phẫu thuật.
Vết thương: thay băng lại vết thương sạch sẽ, băng kín.
Dịch thể: truyền dịch, thực hiện thuốc theo y lệnh. Phòng ngừa tình trạng thiếu dịch là nhiệm vụ rất quan trọng của điều dưỡng trước mổ.
Đặt ống thông dạ dày (nếu cần). Đặt thông tiểu (nếu cần), cho người bệnh đi tiểu.
Chuyển bệnh lên phòng mổ: điều dưỡng cùng thân nhân chuyển người bệnh đến phòng mổ bằng các phương tiện an toàn.
Thuốc trước mổ
Điều dưỡng nên hiểu biết tác dụng và thời gian của thuốc trước mổ như Benzodiazepines & Barbiturate thuốc an thần gây mê.
H2 receptor antagonis – thuốc ngăn cản nguy cơ tổn thương niêm mạc dạ dày do aspirin, do stress trước mổ đối với những người bệnh nhạy cảm, lo lắng nhiều hoặc tuỳ bệnh lý.
Anticholinergic làm giảm bài tiết.
Narcotic thuốc giảm đau.
Kháng sinh: người bệnh có bệnh van tim, nhiễm trùng trước đó, vết thương nhiễm trùng, nguy cơ nhiễm trùng, kháng sinh dự phòng trước mổ.
Heparin: tiêm dưới da 6–12 giờ trước mổ ngăn ngừa tắc mạch, trong các trường hợp mổ tim, ghép tạng…
Thuốc nhỏ mắt: nên thực hiện trước mổ nếu người bệnh từng có mổ mắt.
Thuốc trước mổ được sử dụng nhằm giảm lo lắng, tăng an thần, giúp giảm đau, ngăn ngừa nôn ói, ngăn ngừa các phản xạ tự động, giúp đặt nội khí quản dễ dàng trước mổ, giảm sự bài tiết dịch dạ dày–ruột, hô hấp.
Thời gian và cách dùng thuốc như sau:
Thuốc uống: nên cho trước 60–90 phút trước khi đưa người bệnh xuống phòng mổ vì người bệnh chỉ uống ít nước.
Tiêm bắp (IM), tiêm trong da (ID): tiêm 30–60 phút trước khi xuống phòng mổ.
Tiêm tĩnh mạch (IV), nên thực hiện tiêm ở phòng tiền mê.
Điều dưỡng cần báo cho người bệnh những tác dụng chính và phụ của thuốc.
Di chuyển người bệnh tới phòng mổ: điều dưỡng cần di chuyển người bệnh xuống phòng mổ an toàn, hướng dẫn người nhà nơi phòng đợi và những thông tin khác. Cần di chuyển người bệnh bằng xe lăn, băng– ca, tránh để người bệnh tự đi bộ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Kim Litwack. Preoperative patient, in Medical Surgical Nursing, Mosby–Year book, Inc. 4th ed., St. Louis– Missouri, (1996): 350–370.
Phạm Thị Minh. Chuẩn bị tiền phẫu (bụng) trong chăm sóc ngoại khoa. Tài liệu thí điểm giảng dạy
điều dưỡng trung học. Đề án hỗ trợ hệ thống đào tạo 03–SIDA, Hà Nội 1994, trang 3–8.
Phan Thị Hồ Hải. Chuẩn bị người bệnh trước mổ. Bài giảng bệnh học ngoại khoa tập 1. Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, 1985. Nhà xuất bản Y học, 1985, trang 9–11.
Điều dưỡng nội ngoại khoa tập 2, BRUNNER/ SUDDARTH, Nhà xuất bản Y học lần 6, Hà Nội 1996, trang 13–34.
Saundra L. Seidel, Knowledge base for Patients undergoing surgery, in Medical Surgical Nursing,
W.B. Saunders company 2nd ed. (1998): 115–158.
-
Tài liệu mới nhất
-
Hỗ trợ hô hấp không xâm lấn ở bệnh nhân giảm oxy máu chu phẫu / thủ thuật
22:40,23/05/2022
-
Hướng dẫn Phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc COVID-19
20:09,20/05/2022
-
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá gan nhỏ
19:38,20/05/2022
-
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá gan lớn
23:13,17/05/2022
-
Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán dây
23:00,17/05/2022
-
Lung recruitment
21:50,15/05/2022
-
Oxygen targets
21:44,15/05/2022
-
Làm thế nào để cải thiện đồng bộ bệnh nhân - máy thở
20:51,15/05/2022
-
Xác định PEEP tốt nhất ở bệnh nhân thở máy
22:08,08/05/2022
-
Thuyên tắc ối: Bệnh sinh- Chẩn đoán- Hồi sức
16:00,05/05/2022
-
Hỗ trợ hô hấp không xâm lấn ở bệnh nhân giảm oxy máu chu phẫu / thủ thuật